Theo nguồn tin riêng, 18h hôm nay 6/1, cầu thủ Nguyễn Xuân Son sẽ được phẫu thuật tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Trước đó, trung tâm đã từng điều trị thành công cho những vận động viên có chấn thương nặng, ví dụ như hậu vệ Lê Văn Xuân, người gặp chấn thương trong trận bán kết SEA Games 31 giữa U23 Việt Nam và U23 Malaysia.
Theo kết quả khám ban đầu và chẩn đoán của các chuyên gia lúc đó, Lê Văn Xuân bị đứt dây chằng chéo trước gối trái, cần theo dõi tổn thương điểm bám sừng sau sụn chêm trong. Phương án điều trị cho Lê Văn Xuân được đưa ra và thống nhất tại buổi hội chẩn là phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng sử dụng mảnh ghép gân bánh chè tự thân, khâu/cố định tổn thương sụn chêm (nếu có).
Quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật của Lê Văn Xuân được chia thành 3 giai đoạn, bao gồm thời gian tập luyện phục hồi chức năng tại bệnh viện, tập luyện phục hồi tại một trung tâm bóng đá trước khi trở lại CLB để tập luyện và đánh giá thời điểm quay lại thi đấu.
Toàn bộ quá trình này luôn đảm bảo tiêu chí an toàn, phù hợp, phòng tránh tái phát và chế độ dinh dưỡng tốt.
Hai trường hợp khác từng điều trị tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao là Thái Thị Thảo và Chương Thị Kiều.
Thái Thị Thảo là tiền vệ trụ cột của CLB Hà Nội I và Đội tuyển nữ Việt Nam. Trong quá trình chuẩn bị cho Sea Games 31 tại Việt Nam, nữ VĐV không may gặp chấn thương và được chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, khâu sụn chêm vào tháng 5 năm 2022.
Chương Thị Kiều hiện đang thi đấu ở vị trí trung vệ cho CLB Thành phố Hồ Chí Minh I cũng như Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia. Chương Thị Kiều trước đó đã cùng đội tuyển quốc gia lọt vào vòng chung kết FIFA World Cup 2023. Tháng 9 năm 2022, sau nhiều năm "nén đau” thi đấu, nữ VĐV đã “gục ngã” với chấn thương phức tạp ở hai chân và quyết định thực hiện ca mổ lịch sử lần đầu tiên tại Việt Nam. Cô đã được tái tạo dây chằng chéo trước, khâu sụn chêm gối phải và tái tạo dây chằng chéo trước gối trái trong cùng 1 cuộc phẫu thuật.
Ngay tại thời điểm quyết định điều trị ở Bệnh viện ĐKQT Vinmec, cả hai VĐV cùng ê-kíp đều đặt mục tiêu cao nhất là trở lại với bóng đá và cùng đến World Cup.
Theo các bác sĩ tại trung tâm, trong suốt 9 tháng sau ca phẫu thuật, hai nữ tuyển thủ đã không ngừng nỗ lực tập luyện phục hồi chức năng, bất kể thời tiết nắng hay mưa. Mỗi ngày, họ duy trì đều đặn hai buổi tập luyện. Tại các mốc kiểm tra hằng tháng, cả hai luôn đạt hoặc vượt các yêu cầu đề ra. Những buổi kiểm tra định kỳ này đóng vai trò quan trọng, giúp các bác sĩ kịp thời điều chỉnh phác đồ tập luyện và điều trị, đảm bảo họ thích nghi tốt và sẵn sàng trở lại sân cỏ.
Kết quả, Thái Thị Thảo đã biến giấc mơ World Cup thành hiện thực, trong khi Chương Thị Kiều tái xuất sân cỏ với phong độ đỉnh cao, đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ sau chấn thương.
Điều trị cá thể hoá
Tại Vinmec, khái niệm “cá thể hóa” được áp dụng xuyên suốt từ giai đoạn phẫu thuật đến phục hồi. Khác với phương pháp mổ truyền thống – việc phẫu thuật chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên, Vinmec áp dụng công nghệ 3D tiên tiến để lập kế hoạch chi tiết cho từng ca bệnh.
Mọi vết thương của bệnh nhân đều được phân tích và tái tạo chính xác 100% trên mô hình 3D, giúp các bác sĩ tính toán chính xác kế hoạch mổ và dự đoán được các rủi ro có thể phát sinh. Các mảnh ghép thay thế được thiết kế như “may đo” cho từng bệnh nhân, từ đó tối ưu hóa kết quả mổ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ đa chuyên ngành, bao gồm các chuyên gia về dinh dưỡng, tâm lý và phục hồi chức năng. Chế độ ăn uống và các bài tập luyện phục hồi được điều chỉnh dựa trên tình trạng sức khỏe và tiến độ hồi phục của từng bệnh nhân. Các bác sĩ theo dõi sát sao quá trình phục hồi để giúp bệnh nhân quay lại với hoạt động thể thao một cách an toàn và hiệu quả.
Ngọc Minh