Tôi có một cô con gái đang học lớp 11. Con học giỏi, xinh xắn, ngoan ngoãn. Từ nhỏ đến lớn, con chưa bao giờ để bố mẹ phải phiền lòng, bận tâm quá nhiều. Tuy nhiên có một giai đoạn, con khiến tôi giật mình vì những thay đổi bất thường.
Con tôi học giỏi nhưng không phải dạng mọt sách, con vẫn đi chơi với bạn bè, vẫn biết chăm chút bản thân, như đánh son, mặc một vài kiểu váy trễ vai xinh xắn. Tuy nhiên, con không phải kiểu người quá điệu đã mà thích sự thoải mái hơn. Thế nhưng khoảng vài tháng trước, con tôi bỗng chăm chút ngoại hình quá mức.
Tôi phát hiện ra con đi học mà cũng đánh kem nền, chuốt mi, tô son, trong khi trước đó chỉ khi nào đi chơi con mới trang điểm. Nhà xa nên con dậy sớm cả tiếng đồng hồ để ngồi tô vẽ mặt. Tiền mẹ cho để tiêu vặt, con cũng dành hết để mua son phấn.
Thế rồi một hôm, cô giáo gọi điện cho tôi, báo dạo này con có vấn đề. "H. ngồi trong lớp nhưng lén mở điện thoại ra xem các clip dạy makeup trên Tiktok chị ạ. Dạo này em thấy H. thay đổi nhiều, để ý đến ngoại hình, nhiều hôm ngồi trên lớp lén lấy gương ra soi, không tập trung nghe giảng như trước. Em đã nói chuyện riêng với H., gia đình trao đổi thêm ạ", cô giáo của con báo tin.
Lúc nghe giáo viên nói, tôi rất hoảng, nhưng tự dặn lòng phải bình tĩnh để dạy con, không được nóng vội, mắng chửi. Hôm đó khi tan học, về nhà, con cúi gằm mặt nhìn mẹ. Còn tôi vì đã chuẩn bị tinh thần nên bình tĩnh gọi con vào nói chuyện.
Câu thoại trong phim Sex Education giúp tôi dạy con gái
Sau một hồi tâm tình, tôi mới biết, hóa ra con thay đổi là bởi vì nghe phải những lời không hay của một nhóm bạn nữ trong lớp. Những người bạn này ngồi tám chuyện, bầu ra "ai quê mùa", "ai mọt sách nhất lớp" và con tôi là người bị bầu là "trông quê quê".
"Vậy thay đổi như vậy có khiến con vui hơn không?" - Tôi hỏi.
"Không ạ. Con chỉ thấy mệt. Con chẳng thích trang điểm, sáng nào cũng dậy sớm làm con đến lớp ngáp ngủ. Nhưng cứ nghĩ đến lời bọn kia nói là con lại tức", con gái tôi kể.
Nghe lời con nói, tôi bỗng nhớ đến bộ phim Sex Education mà mình đã xem. Cách đây một thời gian, khi đọc mục giải trí của một số trang báo, tôi tình cờ biết đến bộ phim này. Ban đầu, tôi không định xem vì nghĩ đây là văn hóa nước ngoài, chắc gì đã phù hợp với nước mình. Nhưng khi xem, tôi mới bất ngờ vì rất nhiều câu chuyện, bài học rất nhân văn và thực tế.
Nhớ lại, có một câu nói mà nhân vật chính tên Otis nói với bạn mình mà lại rất đúng với tình huống của con gái tôi. Đó là khi cậu bé này bảo với bạn: "Mọi người trong trường nghĩ gì không quan trọng. Cậu vẫn là chính mình thôi. Đừng để bất kỳ ai cướp điều đó khỏi cậu".
Giống như lời cậu bé Otis này nói. Nhiều người trong chúng ta mất quá nhiều thời gian quý giá của cuộc đời để cố gắng hòa nhập với đám đông, dẫn đến việc đánh mất bản sắc riêng của mình. Ở môi trường học đường, chuyện này lại càng nghiêm trọng.
Có lẽ con gái tôi đã cố gắng để hòa nhập, trở thành một phần của "cộng đồng sành điệu" để rồi vừa mất thời gian, vừa mệt, vừa mất đi sự giản dị, đáng yêu vốn có của mình.
Tôi đã nói chuyện với con về câu nói của Otis. Cuối cùng con cũng hiểu ra. Ngày hôm sau, tôi không còn nghe thấy tiếng báo thức dậy sớm hơn 1 tiếng của con nữa. Con dậy muộn hơn, đến trước với khuôn mặt mộc nhẹ nhàng, xinh xắn và một tinh thần khoan khoái.
Qua câu chuyện của con gái, tôi muốn nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ:
1. Khuyến khích con là chính mình: Cha mẹ nên dạy con hiểu rằng giá trị bản thân không phụ thuộc vào sự đánh giá của người khác. Việc khuyến khích con sống đúng với bản thân, chấp nhận cả điểm mạnh và điểm yếu, sẽ giúp con phát triển nhân cách một cách lành mạnh và bền vững.
2. Giáo dục con về sự tự lập và bản lĩnh: Học cách không để người khác định đoạt cảm xúc hay giá trị bản thân là một bài học quan trọng. Phụ huynh có thể chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện cá nhân để giúp con hiểu rằng những nhận xét tiêu cực hay áp lực từ xã hội không nên là thứ quyết định cách con nhìn nhận bản thân.
3. Tạo không gian an toàn để con thể hiện mình: Gia đình nên là nơi mà con cảm thấy an toàn, được yêu thương và tôn trọng. Khi cha mẹ chấp nhận con như con vốn là, con sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đối mặt với những đánh giá từ bên ngoài.
4. Giúp con xây dựng kỹ năng đối phó với áp lực xã hội: Cha mẹ có thể dạy con cách xử lý áp lực từ bạn bè, mạng xã hội, hoặc môi trường học đường. Điều này bao gồm việc giúp con hiểu rằng ý kiến của mọi người không phải lúc nào cũng đúng, và con có quyền bảo vệ quan điểm, giá trị cá nhân.
5. Trở thành hình mẫu tích cực: Nếu cha mẹ cũng thể hiện sự tự tin, không để ý kiến người khác chi phối bản thân, con sẽ học được cách yêu thương và tin tưởng chính mình qua hành động của cha mẹ.
Mong rằng những bài học này sẽ giúp ích các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.
Thanh Hương