Theo số liệu báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình, 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 93 vụ TNGT, làm chết 50 người, làm bị thương 69 người. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2022, tỉnh chỉ giảm được tiêu chí số người chết, giảm được 2 người chết (giảm 4%). Trong khi 2 tiêu chí còn lại không giảm được mà lại tăng. Cụ thể, về số vụ tăng 9 vụ (tăng 11%) và số người bị thương tăng 3 người (tăng 5%).
Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là phấn đấu giảm số thương vong do TNGT từ 5-10%/năm theo Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 5/4/2022 của Chính phủ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thủy, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình cho hay, có nhiều nguyên nhân, tồn tại dẫn đến số vụ TNGT, số người bị thương do TNGT 9 thời gian qua chưa giảm, nhưng chủ yếu là do việc chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT của một số tổ chức và cá nhân còn hạn chế, mang tính đối phó.
Trong khi các loại phương tiện gia tăng nhanh chóng, nhu cầu vận tải tăng cao, số lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn thì ý thức chấp hành TTATGT của một bộ phận nhân dân còn chưa cao, còn mắc các lỗi vi phạm khá phổ biến, như: Đi không đúng phần đường, chuyển hướng, tránh, vượt sai quy định; chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm; lấn chiếm hành lang ATGT, chở quá tải trọng...
Các hành vi vi phạm này tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi và ở độ tuổi thanh, thiếu niên; các hành vi vi phạm thường diễn ra khi tham gia giao thông trên các tuyến đường bộ. Bên cạnh đó, đáng nói là còn tình trạng một bộ phận lái xe, chủ xe, đơn vị kinh doanh vận tải chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về kiểm soát tải trọng xe, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông...
Ngoài ra, qua thời gian khai thác, một số tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, trong khi nguồn kinh phí bố trí cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa, kinh phí chi phục vụ, khắc phục các điểm tiềm ẩn mất ATGT còn hạn chế, chưa đáp ứng thực tế công tác; các khu đô thị, dân cư mới hình thành cùng với sự gia tăng của người và phương tiện, một số điểm giao cắt, nút giao thông tiềm ẩn phức tạp xuất hiện, làm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Qua phân tích các vụ TNGT đã được điều tra làm rõ cho thấy nguyên nhân chủ yếu gồm: Đi sai làn đường có 27 vụ; quy trình, thao tác lái xe: 10 vụ; chuyển hướng sai quy định: 6 vụ; không nhường đường: 5 vụ; vượt xe: 3 vụ và sử dụng rượu, bia: 1 vụ. Phương tiện gây tai nạn là mô tô có 53 vụ, ô tô có 34 vụ...
Trên tuyến quốc lộ xảy ra 67 vụ, tuyến đường nông thôn: 13 vụ, tuyến đường nội thị: 8 vụ...
Địa bàn xảy ra TNGT nhiều nhất là huyện Bố Trạch với 23 vụ, làm chết 11 người, 14 người bị thương; Lệ Thủy: 13 vụ, làm 11 người chết, 7 người bị thương; Tuyên Hóa: 14 vụ, làm chết 2 người, 15 người bị thương...
Về thực hiện công tác bảo đảm TTATGT thời gian tới, ông Phạm Văn Năm, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Quảng Bình, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết: Ban ATGT tỉnh đã có chỉ đạo giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể và chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố... triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng nữa cần thực hiện tốt đó là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm TTATGT; tích cực, chủ động phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật...
Xuân Hương