Khoai sọ là một loại rau củ quen thuộc trong bếp của nhiều gia đình Việt Nam. Chúng thường mọc dại và được trồng ở một số vùng nông thôn để lấy củ ăn. Theo đó, củ khoai sọ mọc dại thường có màu tím, không bổ. Còn củ khoai sọ được trồng thường có bột màu trắng dính, vị ngọt, trơn nhớt.
Theo các nghiên cứu, khoai sọ chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như protein, chất béo, canxi, sắt, mangan, vitamin C, vitamin E,… Còn theo y học cổ truyền, củ khoai sọ là một vị thuốc quý có vị ngọt hơi the, trơn, tính bình, có tác dụng ích khí bổ thận, điều hòa nội tạng, bổ hư tổn, trừ đàm tiêu thũng. Dưới đây là những công dụng tuyệt vời khác của loại củ này mà nhiều người có thể chưa biết:
1. Cung cấp năng lượng cho cơ thể
Theo nghiên cứu, củ khoai sọ cung cấp nhiều calo hơn cả khoai tây. Cứ 100 gram khoai sợ cung cấp 112 calo cho cơ thể. Lượng calo của loại củ này chủ yếu đến từ các carbohydrate phức. Mức protein có trong khoai sọ có thể được so sánh với các nguồn thực phẩm nhiệt đới khác như khoai lang, sắn... Do đó, củ khoai sọ cũng là một nguồn năng lượng thay thế cho lương thực lúa gạo rất tốt.
2. Dưỡng ruột
Cải thiện hệ tiêu hóa là lợi ích của khoai sọ mà bạn không nên bỏ qua, nhất là đối với những người đang bị táo bón, khó tiêu hay đầy hơn. Theo các nghiên cứu, vì khoai sọ chứa nhiều chất xơ và tinh bột kháng nên có lợi cho sức khỏe đường ruột. Tại ruột già, chúng trở thành nguồn thức ăn cho các vi khuẩn có lợi, tạo ra các axit béo chuỗi ngắn giúp nuôi dưỡng các tế bào lót đường ruột. Nhờ đó, giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý đường ruột như viêm loét đại tràng, ung thư đại tràng.
3. Tăng lưu thông máu
Khoai sọ là loại thực phẩm chứa nhiều sắt và đồng - những khoáng chất cần thiết cho quá trình tái tạo máu. Bên cạnh việc tăng cường lưu thông máu, chúng còn đẩy mạnh tốc độ trao đổi chất trong cơ thể. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt khi đứng dậy,…hãy thêm khoai sọ vào bữa ăn nhé. Thành phần sắt có trong loại củ này sẽ thúc đẩy quá trình tái tạo hồng cầu, từ đó ngừa bệnh thiếu máu và tăng cường tuần hoàn.
4. Tốt cho thận
Không chỉ có chất xơ, hàm lượng vitamin và photpho trong khoai sọ cũng rất dồi dào, có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm thận. Các chuyên gia khuyên những người mắc bệnh này nên thêm khoai sọ vào chế độ dinh dưỡng của mình nhưng nên nêm gia vị nhạt hơn so với bình thường để hỗ trợ điều trị bệnh.
5. Có lợi cho tim mạch
Lượng chất xơ và tinh bột kháng có trong khoai sọ không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp ngăn ngừa các biến chứng tim mạch do tiểu đường gây ra. Hàm lượng chất xơ chứa trong loại củ này giúp giảm cholesterol - một yếu tố dẫn đến bệnh tim mạch, mạch vành. Nhờ đó, thành mạch máu sẽ không bị xơ vữa, tắc nghẽn nên trái tim sẽ luôn hoạt động khỏe mạnh.
Ngoài ra, khoai sọ còn là nguồn cung cấp kali, từ đó có thể kiểm soát, làm giảm huyết áp, góp phần ổn định nhịp tim và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mạn tính hiệu quả.
6. Chống ung thư
Theo nghiên cứu, hàm lượng lớn vitamin C có trong khoai sọ là chất chống oxy hóa, có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của gốc tự do. Đặc biệt khoai sọ còn chứa cryptoxanthin - một chất chống oxy hóa mạnh mẽ thuộc nhóm carotenoid giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, ung thư vòm họng. Bên cạnh đó, polyphenol chính được tìm thấy trong củ khoai sọ là quercetin cũng giúp ngăn ngừa ung thư hiệu quả. Theo các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm, chất quercetin có thể gây chết tế bào ung thư và làm chậm sự phát triển của một số loại ung thư.
Ánh Lê (Tổng hợp)