Đẩy mạnh quyết tâm đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào.
Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến việc triển khai quy hoạch, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào.
Tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Các Thành viên Tổ công tác gồm lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; đại diện các Bộ: Công an, Quốc phòng và lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành để giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến việc triển khai quy hoạch, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc (tổng vốn đầu tư 10-11 tỷ USD) và với Lào (khoảng 6,3 tỷ USD).
Nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện thành công các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào (ưu tiên đầu tư tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025).
Ưu tiên đầu tư tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Trong quyết định thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào, Chính phủ cũng nêu rõ ưu tiên đầu tư tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Hôm 14/9, Bộ Giao thông Vận tải đã cho biết đang tập trung đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với mục tiêu trình Quốc hội xem xét và quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2025 và phấn đấu khởi công vào năm 2027.
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Dự án hứa hẹn sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông quốc gia, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Dự án dự kiến đi qua 8 tỉnh, thành phố, gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, với điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng, điểm kết nối quan trọng trong việc phát triển cảng biển và logistics quốc gia.
Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.
Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Trên toàn tuyến có 41 ga, trong đó 5 ga lập tàu chính gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Trên toàn tuyến có 27 ga nhường tránh tàu; 5 ga trung gian có tác nghiệp hành khách và hàng hóa.
Tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Lào được quy hoạch như thế nào?
Đây là dự án quan trọng, nằm trong tổng thể dự án đường sắt Việt - Lào, là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, được thể hiện trong quá trình triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.
Tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng có tổng chiều dài 554,7 km trải dài lãnh thổ 2 nước Lào và Việt Nam. Dự án có quy mô 2 ray với khổ ray 1.435 mm, vận tốc 150 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng (tương đương 6,3 tỷ USD) thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án gồm 8 nhà ga (một ga chính, 7 ga trung gian), đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP. Công nghệ tàu điện khí hóa tốc độ cao hoặc chạy bằng động cơ diezen.
Khi tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng chính thức đi vào hoạt động, giao thương hàng hóa từ Việt Nam đến các nước trong khu vực Đông Nam Á được xếp dỡ nhanh hơn, thuận tiện hơn. Qua đó, thương mại giữa Việt Nam với các nước láng giềng được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Tuyến đường sắt trên kết nối Viêng Chăn tới cảng Vũng Áng sẽ tiếp tục đấu nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, hướng tới các thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí là châu Âu.
Hơn nữa, tuyến này còn giúp tăng cường khả năng trung chuyển hàng hóa tại cảng Vũng Áng. Qua đó, giao thương giữa Việt Nam với các nước láng giềng được tạo điều kiện phát triển, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế. Khi đi vào hoạt động, dự án cũng tạo lợi thế rộng mở cho các doanh nghiệp Việt - Lào hợp tác phát triển các lĩnh vực nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, tuyến đường sắt này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách từ Lào và các quốc gia khác đến thăm quan và nghỉ dưỡng tại các bãi biển ở miền Trung Việt Nam, đặc biệt là tại các khu du lịch ven biển gần cảng Vũng Áng. Việc dễ dàng di chuyển xuyên biên giới sẽ thúc đẩy phát triển các tour du lịch liên kết giữa Việt Nam và Lào, tăng cường giao lưu văn hóa và quảng bá du lịch.
Thái Hà