Tuyến đường sắt ven biển có lộ trình đầu tư sau năm 2030
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi công văn đến UBND tỉnh Nam Định liên quan đến đề xuất đầu tư Dự án tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh nằm trong lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, nếu các địa phương hoặc nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư sớm, có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương liên quan để làm rõ sự cần thiết của dự án tại thời điểm hiện tại, khả năng huy động vốn, và đề xuất phương án đầu tư cụ thể trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trước đó, vào đầu tháng 10/2024, UBND tỉnh Nam Định đã gửi công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT và Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ và Thủ tướng phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo UBND tỉnh Nam Định, đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 30,5 km. Nhà ga dự kiến đặt tại phường Hưng Lộc, TP. Nam Định (khu vực xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc cũ), gần ga Đặng Xá hiện tại. Đây là vị trí quan trọng giúp kết nối các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ.
Tỉnh Nam Định nhấn mạnh rằng để phát huy hiệu quả tuyến đường sắt tốc độ cao 67,3 tỷ USD, việc đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối, đặc biệt là tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, là rất cần thiết. Nhu cầu kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa và hành khách tại khu vực này dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long dài khoảng 37 km, dự kiến có tổng chiều dài 101 km với khổ đường 1.435 mm.
Lợi ích khi hàng loạt tuyến đường sắt trọng điểm đi qua Nam Định
Về dự án đường sắt tốc độ cao, Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, TP Nam Định là trung tâm phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 là 600.000 dân; vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên... lên đến khoảng 4 triệu người.
Trong tương lai, Nam Định sẽ là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, theo dự báo đến năm 2050 nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm.
Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm đoạn tuyến qua Nam Định (12km) sẽ có chi phí khoảng 1,66 tỷ USD, trong khi các lợi ích thu được ước khoảng 2,06 tỷ USD.
Như vậy việc khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao qua khu vực TP Nam Định có lợi ích ước tính đạt khoảng 400 triệu USD trong vòng 30 năm.
Về dự án đường sắt ven biển, việc đầu tư tuyến này không chỉ góp phần phát triển giao thông vận tải của mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường cho các tỉnh ven biển phía Bắc.
Các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ logistics, công nghiệp và du lịch xung quanh hành lang tuyến đường sắt ven biển sẽ phát triển mạnh mẽ. Góp phần tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương và cải thiện đời sống người dân.
Nhất là trong bối cảnh, Hải Phòng và Quảng Ninh là các tỉnh thành có kính tế phát triển hàng đầu Việt Nam, là cửa ngõ ra các cảng biển lớn. Trong khi đó, kinh tế của Nam Định và Thái Bình chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Vì vậy, tuyến đường sắt sẽ thúc đẩy hoạt động logistics, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình đến cảng biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh, từ đó phát triển xuất nhập khẩu, nâng cao tiềm lực kinh tế cho Nam Định - Thái Bình.
Bên cạnh đó, tuyến còn thúc đẩy quá trình đô thị hóa, kết nối các khu công nghiệp, cảng biển và đô thị dọc theo hành lang ven biển, hỗ trợ phát triển bền vững cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, hỗ trợ kết nối, thông thương với thị trường Trung Quốc rộng lớn, xa hơn nữa là thị trường Nga và châu Âu.
Thái Hà