Triển lãm ô tô Việt Nam (VMS 2024) diễn ra từ 23/10 -27/10/2024 tại TP.HCM năm nay với sự góp mặt của 19 thương hiệu bao gồm 11 thương hiệu ô tô và 8 thương hiệu xe máy. Trong đó, các thương hiệu đến từ Trung Quốc bao gồm GAC Motor, BYD, MG. Các thương hiệu ô tô đến từ Nhật Bản bao gồm: Honda, Isuzu, Mitsubishi, Toyota, Subaru. Chỉ có một thương hiệu đến từ châu Âu là Skoda và 1 thương hiệu xe bus đến từ Nga là Gaz.
So với năm ngoái, trước thời điểm diễn ra sự kiện, VMS 2024 khiến nhiều người lo ngại vì không còn bóng dáng của các màu sắc xe sang, khiến triển lãm kém đi phần hấp dẫn. Tuy nhiên, với chủ đề “xanh”, triển lãm năm nay với sự ra đời hàng chục mẫu xe điện mới cũng tạo ra sức hấp dẫn riêng.
Các thương hiệu như BYD,GAC và MG chiếm lĩnh không gian trưng bày với những gian hàng rộng lớn, với nhiều mẫu xe thuộc đủ chủng loại. Nổi bật nhất trong số các thương hiệu Trung Quốc tham gia VMS 2024 là MG, với 10 mẫu xe, phủ hết các phân khúc từ sedan tới SUV, xe mui trần thể thao, và xe thuần điện. Đáng chú ý, có 3 mẫu mới lần đầu ra mắt, gồm: MPV cỡ trung G50, SUV 7 chỗ D90, và xe thuần điện thông minh IM LS7.
Với BYD, thương hiệu gây ấn tượng mạnh với khách tham quan qua màn trình diễn tự xoay tròn tại chỗ của YangWang U8. Ngoài bộ 3 mẫu xe đã được ra mắt Việt Nam hồi tháng 7, BYD còn mang đến những mẫu xe hàng đầu như Denza U9, Yangwang U9, M6, Han 6...
Các mẫu xe Trung Quốc thu hút khách tham quan nhờ thiết kế bắt mắt, công nghệ tiên tiến mà còn sở hữu mức giá rất cạnh tranh, thậm chí nhiều dòng xe còn sở hữu thiết kế khá tương đồng đối với các mẫu xe đến từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sự đầu tư này không chỉ giúp các xe Trung Quốc nổi bật tại triển lãm mà còn tạo ra cảm giác lấn át trước các mẫu xe đến từ các thương hiệu Nhật Bản. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của xe Trung Quốc trên thị trường Việt Nam, nơi mà người tiêu dùng luôn chú trọng đến yếu tố ngoại hình như một trong những lý do dẫn đến quyết định mua sắm.
Về mặt công nghệ, nhiều mẫu xe Trung Quốc cũng được trang bị các tính năng hết sức cạnh tranh như cửa sổ trời toàn cảnh, sạc không dây, phạnh tay điện tử, màn hình lớn tích hợp Apple CarPlay và Android Auto không dây…
Các công nghệ an toàn cao cấp cũng được đưa lên các mẫu xe mới của các thương hiệu Trung Quốc như phanh tự động, hành trình thích ứng, đèn thông minh… là những tính năng sát với nhu cầu của người tiêu dùng Việt.
Các mẫu xe điện của Trung Quốc đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan nhờ vào khả năng đặc biệt tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Về mặt giá cả, với chiến lược giá bán rẻ, các thương hiệu xe Trung Quốc từ trước vẫn có tiếng là “mềm mại”. Nhiều mẫu xe được niêm yết với mức giá thấp hơn so với các đối thủ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu… Điều này giúp người tham dự triễn làm dễ bị thuyết phục về khả năng sở hữu một chiếc xe “ngon, bổ, rẻ” sau đó.
Tuy nhiên, thực tế tại triển lãm năm nay, cũng có những mẫu xe Trung Quốc có giá thành tương đương xe Hàn, xe Nhật. Ví dụ như GAC GS8 đang có mức giá tương đồng với Hyundai SantaFe. So sánh giữa một chiếc xe đã có thâm niên nhiều năm tại Việt Nam, đã được khẳng định về chất lượng, dịch vụ và một mẫu xe mới toanh của thương hiệu vừa gia nhập thị trường, GAC GS8 rõ ràng thiếu sự cạnh tranh so với đối thủ đến từ Hàn Quốc. Giá bán cao khiến mẫu MPV này thiếu đi sự hấp dẫn đối với khách hàng.
Mặc dù giá tốt, ngập tràn công nghệ, thiết kế bắt mắt nhưng các mẫu xe Trung Quốc được cho là vẫn chưa thực sự thuyết phục được khách hàng về chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm.
Điều này xuất phát từ những bài học trong quá khứ, những mẫu xe Trung Quốc thường không được đánh giá cao về chất lượng, xe hay bị lỗi kỹ thuật, dịch vụ sau bán hàng kém chất lượng… Câu chuyện Chery đã từng vào Việt Nam rồi lặng lẽ, mặc dù thương hiệu này gần đây đã quay trở lại Việt Nam với nhà phân phối mới nhưng vẫn khiến nhiều người phải băn khoăn, e ngại.
Về mặt hệ thống dịch vụ, hãng xe điện mạnh nhất xuất hiện tại VMS 2024 là BYD. Tuy nhiên, so với thương hiệu Việt như VinFast (không tham gia triển lãm) thì hạ tầng trạm sạc của BYD với vài chục trạm sạc tại các đại lý, tập trung ở khu vực phía Bắc chắc chắn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khi số lượng xe bán ra ngày càng nhiều. Cho dù khách hàng có tự trang bị trạm sạc tại nhà phục vụ nhu cầu của bản thân, nhưng hệ thống trạm sạc công cộng cũng là vấn đề cần phải cân nhắc. Thậm chí, sau khi chào sân vào tháng 7 năm nay, đại diện hãng đã khẳng định “sẽ không tập trung xây dựng hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam. Mà thay vào đó, khách hàng sẽ sạc xe tại nhà, đại lý hoặc sử dụng của bên thứ ba”.
“Một chiếc xe không chỉ là tài sản, nó còn là thứ gắn bó với công việc hàng ngày của mình. Nếu như đi công tác, không thể mang trạm sạc từ nhà đi cùng thì sẽ sạc điện ở đâu”, anh Hùng, một khách hàng tham dự triển lãm cho biết.
Một yếu tố khác khiến nhiều người phải chần chừ khi có ý định mua một chiếc xe điện của Trung Quốc là về tính thanh khoản. Xe đã qua sử dụng thường mất giá lớn hơn so với các mẫu xe của Nhật Bản, Hàn Quốc… Sự mất giá nhanh chóng của các dòng xe Trung quốc trên thị trường cũng như sự e dè của người tiêu dùng khi mua lại các mẫu xe đã qua sử dụng… khiến cho các mẫu xe điện của Trung Quốc dù giá rẻ, công nghệ tốt, thiết kế bắt mắt nhưng vẫn chưa đủ sức để gạt bỏ những băn khoăn của người tiêu dùng Việt.
Theo đánh giá của nhiều người, VMS 2024 thiếu đi sự hấp dẫn so với những kỳ trước đó bởi thiếu vắng sự xuất hiện của những mẫu xe sang, là “sân chơi” của những mẫu xe bình dân. Thông thường, xe bình dân là những mẫu mà đa phần người tiêu dùng có thể sở hữu, còn xe sang là sự mơ ước, mong muốn của họ. Những công nghệ trên xe bình dân thường là công nghệ của xe sang sau khi đã trở nên lỗi thời.
Các màn trình diễn tại VMS 2024 cũng không thực sự gây ấn tượng với người xem khi không thể hiện được DNA của thương hiệu.
Anh Nguyễn