Chạy thử tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội
Ngày 28/11, 8 đoàn toàn chạy thử đã lăn bánh trên tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Đây là chương trình tàu chạy thử của giai đoạn 1 từ 9h đến 19h, thứ 2-6 hàng tuần với tối thiểu là 4 đoàn tàu và tối đa là 8 đoàn tàu.
Hiệu suất được đo đạc hàng ngày qua hệ thống ATS. Các cuộc họp hàng ngày sẽ diễn ra từ 19h để tóm tắt và báo cáo về hiệu suất của ngày đó. Nếu mục tiêu về tính khả dụng không đạt được trong 5 ngày liên tiếp. Chạy thử tàu sẽ được kéo dài cho tới khi đạt mục tiêu.
Quá trình chạy thử, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và cơ quan chuyên môn đưa ra 5 kịch bản giả định tàu gặp sự cố. Cụ thể đó là kịch bản mất điện toàn tuyến hoặc một số tuyến, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tình huống xuất hiện tàu cứu hộ.
Tuyến đường sắt tàu chạy thử là 12,5km với thời gian dự kiến là 16 phút và ở mỗi ga sẽ dừng 2 giây và có tổng cộng là 8 ga.
11 tháng, tai nạn giao thông làm chết 5.800 người
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tháng 11/2022 (tính từ ngày 15/10/2022 đến ngày 14/11/2022), toàn quốc xảy ra 1.111 vụ tai nạn giao thông, làm chết 579 người và làm bị thương 833 người.
So với tháng 11 năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 523 vụ (32%), giảm 78 người chết (11,9%), giảm 438 người bị thương (34,5%). So với tháng cùng kỳ năm 2021 giảm 70 vụ (5,93%), tăng 15 người chết (2,66%), giảm 7 người bị thương (0,83%).
Tính chung trong 11 tháng của năm 2022 (từ ngày 15/12/2021 đến 14/11/2022), toàn quốc xảy ra 10.323 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.800 người, bị thương 6.973 người. So với 11 tháng năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 5.562 vụ (35%), giảm 1.175 người chết (16,8%), giảm 5.171 người bị thương (42,6%). So với 11 tháng năm 2021, số vụ tai nạn giao thông tăng 170 vụ (1,67%), tăng 656 người chết (12,75%), giảm 88 người bị thương (1,25%).
Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng việc "vua hàng hiệu" xin dừng cấp phép bay
Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc dừng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo. Theo đó, Công ty cổ phần IPP Air Cargo rút hồ sơ và xin dừng thủ tục cấp giấy phép với lý do đánh giá mới của doanh nghiệp trước "tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động về giá nhiên liệu và nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng".
Theo Bộ GTVT: "Như vậy, đề nghị rút hồ sơ và dừng thủ tục cấp giấy phép là mong muốn chủ quan của doanh nghiệp, không liên quan đến quá trình tiếp nhận hồ sơ, xem xét thẩm định hồ sơ từ Cục HKVN đến Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ".
Cũng theo Bộ GTVT phí thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đã qua bước tổ chức thẩm định tại Cục HKVN và báo cáo Bộ GTVT kết quả thẩm định nên không được hoàn trả lại, vẫn nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Số tiền được phong tỏa trong ngân hàng để làm vốn điều lệ (300 tỷ đồng) sẽ được giải tỏa theo đề nghị giải tỏa của Công ty cổ phần IPP Air Cargo kèm theo một trong các giấy tờ sau: giấy phép do Cục Hàng không Việt Nam cấp; hoặc thông báo từ chối cấp giấy phép của Cục Hàng không Việt Nam; hoặc văn bản của phía Công ty IPP về việc không tiếp tục xin giấy phép.
Như vậy, đề nghị của xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không của Công ty cổ phần IPP Air Cargo tại Công văn số 127-22/CV-IPPAC nêu trên về cơ bản đã được Cục Hàng không Việt Nam xem xét, xử lý theo quy định.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)