Vướng mắc khi tích hợp thu phí không dừng vào sân bay
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tình hình cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng cho các cảng hàng không do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đang triển khai.
Khẳng định công nghệ thu phí điện tử không dừng hiện tại hoàn toàn có thể áp dụng và vận hành cùng với các giải pháp thu phí mà ACV đang triển khai, tuy nhiên, phía Cục Đường bộ thừa nhận về pháp lý, việc triển khai thu phí ETC tại các cảng hàng không đang gặp vướng mắc do một số quy định liên quan.
Theo đó, Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Tài khoản thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ là tài khoản của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.”
Còn theo quy định tại hợp đồng ký kết giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOO1 (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng) cũng nêu rõ: “Tài khoản giao thông là tài khoản của chủ phương tiện hoặc người khác được mở và quản lý trên hệ thống thu phí ETC để thanh toán phí sử dụng đường bộ cho các phương tiện được đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản.”
Do đó, Cục Đường bộ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho các nhà cung cấp dịch vụ thu phí được phép triển khai mở rộng thêm dịch vụ tài khoản thu phí không dừng; cho phép thí điểm sử dụng tài khoản thu phí để thanh toán phí ra vào các cảng hàng không, cảng biển và các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường.
Trước đó, ACV đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất việc triển khai thu phí không dừng tại cảng hàng không sẽ góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong công tác thu phí dừng đỗ xe đón trả khách, tạo thuận tiện cho khách hàng và giảm ùn tắc giao thông tại các sân bay.
Tăng cường kiểm tra, xử lý 'xe dù, bến cóc' dịp nghỉ lễ 30-4
Bộ GTVT vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành GTVT về việc tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự ATGT trong dịp nghỉ Lễ giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài 5 ngày (từ ngày 29/4 đến hết ngày 3/5/2023).
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT địa phương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe; có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, đúng số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải.
Kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định, đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng.
Tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật ATGT, đã uống rượu bia thì không lái xe, hướng dẫn thực hiện quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trên đường cao tốc, đường đèo dốc,...
Cục Đường bộ Việt Nam cũng có trách nhiệm phối hợp với các Sở GTVT quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe...) thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô.
Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở GTVT Hà Nội, TP. HCM và một số địa phương có nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Đối với các trạm thu phí đường bộ, nhà đầu tư BOT cần xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông khi lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí đường bộ.
Bắt xe container cưa nóc, chở quá tải trên 260%
Thông tin từ Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho hay, ngày 12.4, tổ công tác đặc biệt số 3 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện xử lý liên tiếp hai xe container hoán cải chở quá tải trọng gấp hàng trăm lần.
Cụ thể, vào khoảng 8h55 sáng cùng ngày, khi tổ công tác đặc biệt số 3 tuần tra đến khu vực địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội) thì phát hiện xe đầu kéo BKS 29H-862.XX kéo theo rơ-mooc BKS 22R-007.XX có dấu hiệu vi phạm nên đã tiến hành chặn dừng phương tiện kiểm tra.
Sau khi kiểm tra tại chỗ các giấy tờ liên quan theo quy định, tổ công tác tiến hành đưa xe đầu kéo BKS 29H-862.XX về trạm cân DST khu công nghiệp Phú Thịnh (thị Xã Sơn Tây) để thực hiện cân tải trọng. Kết quả kiểm tra cho thấy chiếc đầu kéo trên quá tải 262% (sức kéo), phần rơ-mooc quá tải 162% (chuyên chở).
Làm việc với tổ công tác, tài xế B.B.V cho biết, số cát trên được lấy từ một bãi cát ở phường Bạch Hạc (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với hành trình vận chuyển về Trạm trộn A+ (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Khoảng 13h cùng ngày, tổ công tác tiếp tục dừng kiểm tra xe đầu kéo BKS 29H-801.XX kéo theo rơ-moóc BKS 29R-010.XX do tài xế C.M.H (SN 1986, trú tại huyện Ba Vì) điều khiển. Qua kiểm tra, xe đầu kéo quá tải trọng 227%, rơ-moóc quá tải trọng 155,5%.
Hiện cả 2 phương tiện vi phạm đã được tổ công tác đặc biệt số 3 lập biên bản bàn giao về Đội CSGT số 9 (Phòng CSGT Hà Nội), đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục xác minh làm rõ.
Thành Đô (tổng hợp)