Bằng chiến dịch quân sự này, Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết thực hiện mục tiêu tiêu diệt Hamas và giải cứu con tin để cứu vãn chính phủ liên minh khỏi bị tan rã.
Tình hình thực hiện giai đoạn đầu của thoả thuận ngừng bắn
Ngày 16/1/2025, dưới sự trung gian hoà giải của Qatar, Ai Cập và Mỹ, một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza và trao đổi những người bị giam giữ đã được ký kết giữa Israel và Hamas. Ngày 19/1/2025, thoả thuận bắt đầu có hiệu lực.
Thỏa thuận này gồm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 42 ngày. Giai đoạn đầu mang tính quyết định. Trong giai đoạn này, hai bên tiến hành trao đổi những người bị giam giữ, trong đó Hamas sẽ trao trả 33 trong số 98 con tin Israel. Đổi lại, Israel sẽ thả 1.760 tù nhân Palestine, trong đó có 110 người bị kết án tù chung thân.
Quân đội Israel rút dần khỏi các khu đông dân cư bên trong Dải Gaza, đồng thời giảm lực lượng của mình ở hành lang Philadelphia, nơi ngăn cách Dải Gaza với Ai Cập và rút hoàn toàn khỏi khu vực này vào thời điểm kết thúc giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngày 1/3/2025.

Người dân Palestine tìm kiếm thương vong giữa những hố sâu chứa đầy bê tông vỡ và kim loại cong vênh sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: Reuters
Trong giai đoạn này, viện trợ nhân đạo phải được tăng cường, tạo điều kiện chuyển sang đàm phán giai đoạn hai, hoàn tất việc trao trả tất cả con tin bị Hamas giam giữ còn lại và Israel phải rút toàn bộ lực lượng còn lại của mình khỏi Gaza, lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ trở thành vĩnh viễn. Giai đoạn này chỉ có thể được bắt đầu thực hiện trên cơ sở giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận được thực hiện đầy đủ.
Giai đoạn cuối cùng bao gồm một kế hoạch tái thiết Gaza.
Nhìn chung, giai đoạn đầu tiên của lệnh ngừng bắn kết thúc ngày 1/3/2025 được các bên thực hiện nghiêm chỉnh, nhưng Israel và Hamas đã không đạt được thỏa thuận khởi động các cuộc đàm phán giai đoạn hai. Lý do bế tắc là do Israel yêu cầu Hamas thả nhóm con tin tiếp theo vào ngày 8/3/2025, nhưng Hamas không đáp ứng với lý do vấn đề này phải thoả thuận trong đàm phán.
Israel nối lại chiến dịch quân sự tại Dải Gaza
Ngày 18/3/2025, bất chấp thoả thuận ngừng bắn với Hamas, Israel đã nối lại các cuộc không kích vào Dải Gaza. Quân đội Israel (IDF) cũng đã điều lực lượng bộ binh đến phía bắc Gaza và các khu vực xung quanh Rafah ở phía nam, đồng thời mở một chiến dịch trên bộ mang tên "Lòng can đảm và thanh kiếm", đưa quân trở lại Hành lang Netzarim, nơi mà trước đó họ đã rút lui theo thỏa thuận ngừng bắn. Chính quyền Israel cho biết chiến dịch hiện tại là vô thời hạn và sẽ được mở rộng.
Các cuộc tấn công mới đến nay đã giết chết 792 người Palestine và làm bị thương 1.663 người khác, đưa số người Palestine thiệt mạng kể từ khi Israel mở chiến dịch quân sự vào Dải Gaza tháng 10/2023 tăng lên hơn 50.000, số người bị thương lên gần 114.000, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, gần đây Israel còn nhắm mục tiêu vào các thủ lĩnh chính trị Hamas ở Gaza. Các nguồn tin Israel cho biết, khoảng 200 nhà hoạt động, trong đó có nhiều lãnh đạo cao cấp của phong trào Hamas đã bị giết gồm Issam al-Dalis, người đứng đầu Ủy ban Quản lý Gaza, có chức năng tương tự như Thủ tướng, Thứ trưởng Nội vụ Mahmoud Abu Watfa, Thứ trưởng Tư pháp Ahmed Omar al-Hatta và Tổng giám đốc Cơ quan An ninh Nội bộ Bahjat Hassan Abu Sultan. Đại diện chính thức của Tổ chức Jihad Islami Naji Abu Seif cũng đã bị giết.

Khói bốc lên ở phía sau khi các tay súng Hamas tuần tra trên đường phố Gaza trên một chiếc xe quân sự của Israel bị tịch thu. Ảnh: Reuters
Hamas tuyên bố họ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn cho đến phút cuối cùng và tìm cách đảm bảo thỏa thuận này tiếp tục có hiệu lực. Tuy nhiên, Israel cho rằng Hamas đang chuẩn bị tấn công Israel, kiến cớ để tiếp tục chiến tranh.
Tại sao Israel nối lại chiến dịch quân sự tại Dải Gaza?
Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cho biết, Israel quyết định nối lại các hoạt động quân sự tại Gaza vì "Hamas từ chối thả con tin và bác bỏ mọi đề nghị của Israel đưa ra thông qua đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của chiến dịch này không phải như vậy.
Việc nối lại các hoạt động quân sự ở Gaza diễn ra vào thời điểm khó khăn trong nền chính trị Israel. Tình hình chính trị nội bộ Israel là nhân tố quan trọng thúc đẩy chính quyền của Thủ tướng Netanyahu nối lại các hành động quân sự ở Dải Gaza.
Phe cực hữu chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng ngừng bắn ở Gaza, coi đó là sự đầu hàng trước Hamas. Họ muốn người Palestine rời khỏi Dải Gaza và Israel sẽ xây dựng lại các khu định cư mà họ đã rút khỏi đó vào năm 2005.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich thuộc phe cực hữu đã từ chức khỏi chính phủ để phản đối lệnh ngừng bắn, tuyên bố nếu chính phủ không quay trở lại chiến tranh, chính phủ liên hiệp của ông Netanyahu sẽ tan vỡ.
Trong tình hình như vậy, các nhà phân tích chính trị cho rằng, việc Thủ tướng Netanyahu nối lại hoạt động quân sự ở Gaza là nhằm cứu chính phủ của mình đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và kéo dài sự nghiệp chính trị của ông.
Thủ tướng Netanyahu và nhóm cố vấn cấp cao cứng rắn của ông cho rằng, Hamas phải bị đánh bại trên chiến trường bằng vũ lực trước khi có thể đạt được bất kỳ tiến triển nào hướng tới một giải pháp chính trị.
Ông Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yisrael Katz và Tướng Eyal Zamir cho rằng thất bại quân sự của Hezbollah tại Lebanon năm ngoái và việc chính quyền Trump ủng hộ bất kỳ cuộc tấn công mới nào chống lại Hamas đã làm cho Israel có thêm động lực mới để tăng cường các hoạt quân sự ở Dải Gaza.
Mặt khác, chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump ủng hộ mạnh mẽ, bật đèn xanh cho Israel tấn công Gaza, mục tiêu là tiêu diệt Hamas, thực hiện kế hoạch di dời người dân Palestine khỏi Gaza và tiếp quản dải đất này.
Không phải ngẫu nhiên, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã đưa nhóm Houthi ở Yemen, là nhóm ủng hộ mạnh mẽ Hamas, trở lại danh sách khủng bố và mở chiến dịch tấn công Houthi.

Hệ thống chống tên lửa Iron Dome của Israel đánh chặn các tên lửa phóng từ Gaza. Ảnh: Reuters
Theo tờ The Wall Street Journal, trước khi mở cuộc tấn công, Israel đã thông báo cho Washington về kế hoạch của mình và được Tổng thống Trump ủng hộ.
Ông nói: “Tôi sẽ gửi cho Israel mọi thứ họ cần để hoàn thành công việc, và sẽ không có thành viên Hamas nào được an toàn nếu các người không làm theo những gì tôi nói. Hãy thả các con tin ngay bây giờ, nếu không các người sẽ phải trả giá vì cuộc chiến vẫn tiếp diễn".
Israel đang gia tăng sức ép quân sự, nhưng đồng thời cũng không loại trừ khả năng quay lại bàn đàm phán.
Mỹ và Israel có chung mục tiêu là giải thoát con tin và chấm dứt sự cai trị của Hamas ở Gaza. Đây là những nhiệm vụ không tương thích, Hamas không bao giờ chấp nhận từ bỏ quyền lực và rời khỏi Gaza.
Các nhà lãnh đạo Hamas hiểu rằng ngay sau khi tất cả các con tin được trả tự do, Israel sẽ lại tấn công Hamas, do đó khả năng tất cả các con tin đều được trả tự do là không thể xảy ra.
Khả năng nối lại đàm phán nhằm đạt được thoả thuận ngừng bắn
Trong khi Israel vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự tại Gaza, các nhà trung gian hoà giải gồm Ai Cập, Qatar và Mỹ đã đến Doha để thúc đẩy vòng đàm phán gián tiếp mới giữa Israel và Hamas về một số sáng kiến nhằm đạt được lệnh ngừng bắn trước ngày lễ Eid al-Fitr 31/3 tới, sau kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo.
Các sáng kiến này đề nghị Israel và Hamas thả con tin và những người bị giam giữ theo các giai đoạn chuyển tiếp, mỗi giai đoạn một số con tin sẽ được thả để đổi lấy tù nhân Palestine, đồng thời nối lại các hoạt động viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza vốn đã bị Israel dừng lại ngày 1/3/2025.
Ngày 24/3/2025, Ai Cập đã đưa ra đề xuất, theo đó Hamas sẽ thả 5 con tin còn sống, bao gồm một người Mỹ gốc Israel, để đổi lấy việc Israel cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần. Israel cũng sẽ thả hàng trăm tù nhân Palestine. Một quan chức Hamas cho biết họ đã "phản hồi tích cực".
Ngày 26/3/2025, Khalil al-Hayya, trưởng đoàn đàm phán của Hamas cho biết đã nhận được các đề xuất và sáng kiến trên và họ đang xử lý một cách tích cực và có trách nhiệm.
Trước đây, ngày 13/3/2025, Steve Witkoff cũng đã đưa ra một đề xuất nhằm kéo dài lệnh ngừng bắn ở Gaza đến hết tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và lễ Quá Hải (Pesah) của người Do Thái 20/4/2025.
Trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023, Hamas đã bắt 251 con tin đưa về Dải Gaza. Phần lớn các con tin đã được thả theo thoả thuận giữa Israel và Hamas.
Theo truyền thông Israel, hiện nay còn 59 con tin bị Hamas giam giữ. Trong số này chỉ có 24 người còn sống gồm 22 người Israel, 1 người Thái Lan và 1 người Nepal. Theo thoả thuận ngừng bắn, những con tin này lẽ ra phải được thả theo giai đoạn hai và toàn bộ thi thể những con tin đã chết sẽ được Hamas trao trả vào giai đoạn ba.
Trong khi đó, Hiệp hội Tù nhân Palestine cho biết hiện có 9.300 người Palestine đang bị Israel giam giữ trong 20 nhà tù, trong đó có ít nhất 75 phụ nữ và 250 trẻ em.
Chiến dịch quân sự của Israel 15 tháng qua chứng tỏ không thể tiêu diệt được Hamas. Đàm phán là biện pháp duy nhất để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nói riêng, cũng như giữa Israel và Palestine nói chung.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai
Bình luận tiêu biểu (0)