Sáng sớm nay (6 giờ 30 phút), một dải mây hình "đĩa bay" khổng lồ xuất hiện phủ kín đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), tạo nên một quang cảnh đặc biệt ngoạn mục.
Cảnh tượng này khơi gợi liên tưởng đến những chiếc UFO xuất hiện trong phim viễn tưởng. Nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng chụp lại những bức ảnh đầy ấn tượng về hiện tượng tự nhiên hiếm thấy này.
Dù đặc biệt nhưng đây không phải là lần đầu tiên đám “mây đĩa bay” xuất hiện trên đỉnh núi cao nhất Đồng Nai. Trước đó, vào ngày 14/5/2023, một đám mây tương tự cũng đã xuất hiện tại đây và từng gây xôn xao mạng xã hội.
Thực chất, “mây đĩa bay” là hiện tượng mây dạng thấu kính hay còn gọi là mây lenticularis. Đây là loại mây có hình dạng đặc biệt giống như chiếc đĩa lenticular hoặc hình lăng kính.
Mây thấu kính hình thành khi không khí ẩm di chuyển qua dãy núi hoặc các địa hình cao. Khi không khí gặp phải các chướng ngại vật này sẽ phải chuyển động lên trên và ngưng tụ ở độ cao lớn hơn. Hơi nước trong không khí sẽ ngưng tụ, tạo thành đám mây dạng thấu kính.
Do dòng chảy không khí ổn định và hình thái đặc trưng của mây thấu kính, chúng thường xuất hiện ở vị trí cố định và không di chuyển, ngay cả khi gió thổi mạnh.
Mây thấu kính thường được nhìn thấy ở những vùng núi cao như dãy Alps hoặc Rocky Mountains và thường gây nhầm lẫn với các vật thể bay không xác định (UFO) do hình dạng đĩa bay đặc trưng.
Núi Chứa Chan (Đồng Nai) có độ cao 837m so với mực nước biển, là ngọn núi cao nhất ở Đồng Nai và là ngọn núi cao thứ 2 ở Đông Nam Bộ. Năm 2012, ngọn núi này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Ngoài núi Chứa Chan, núi Bà Đen cũng từng xuất hiện dạng mây thấu kính này.
DC