Yêu cầu ngăn chặn hiệu quả tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe
Bộ GTVT vừa ban hành Chỉ thị về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ.
Chỉ thị nêu rõ: Những năm gần đây công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX đã có nhiều đổi mới, chất lượng được đảm bảo. Tuy nhiên, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy GPLX tại một số Sở GTVT vẫn còn hiện tượng đào tạo vượt lưu lượng; công tác kiểm tra, giám sát tập huấn cho giáo viên dạy thực hành lái xe còn có nơi chưa thực hiện; một số địa phương thực hiện công tác tiếp nhận báo cáo 1, báo cáo 2 chưa đảm bảo thời gian theo quy định.
Việc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo, dữ liệu của học viên để xác định hoàn thành chương trình đào tạo trước khi sát hạch còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức.
Để chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hơn nữa về chất lượng, Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ GTVT, Giám đốc Sở GTVT các tỉnh, thành phố rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp, đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế.
Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp GPLX cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bò đi rông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Theo PV Báo Người lao động, Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây mới đưa vào khai thác cuối tháng 4 vừa qua nhưng bị một số tài xế phản ánh bị văng đá dăm làm nứt kính xe cũng như tình trạng bò đi rông tiềm ẩn nguy hiểm.
Theo đó, trưa 6-5, khi lái xe hướng từ Phan Thiết vào TP HCM, đoạn gần giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai thì phát hiện 3 con bò đứng giữa đường. Nhiều lái xe phải giảm tốc đột ngột để né đàn bò.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai với quy mô 4 làn xe lưu thông 2 chiều và 2 làn dừng khẩn cấp. Từ ngày 29-4, cao tốc này đưa vào vận hành tuyến chính với tốc độ tối đa 120km/h. Tuy nhiên, từ sau khi đưa vào vận hành, tuyến chính cao tốc tiềm ẩn một số nguy cơ mất an toàn như có ôtô chạy ngược chiều, bò đi trên cao tốc và có cả xe máy đi vào cao tốc.
Metro Nhổn-Ga Hà Nội sắp vận hành đoạn đến Cầu Giấy
Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn trên cao sẽ vận hành vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới đây.
Theo tiến độ, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có kế hoạch vận hành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào đầu quý III-2023. Để hành khách dễ dàng tiếp cận với metro, Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội (HPTC) đang khảo sát, xây dựng phương án điều chỉnh lộ trình mạng lưới các tuyến buýt theo hướng bố trí lại hành trình, các điểm dừng đỗ gần các ga tàu đã xây dựng trên dọc các tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu - Cầu Diễn - Minh Khai.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, có chiều dài hơn 12 km, được phê duyệt lần đầu vào năm 2006, tổng mức đầu tư 783 triệu Euro, dự kiến hoàn thành vào năm 2010.
Nhưng đến tháng 9/2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội mới được UBND thành phố Hà Nội khởi công, tổng vốn đầu tư được điều chỉnh lên 1176 triệu Euro (tăng 393 triệu Euro), kế hoạch hoàn thành được lùi đến năm 2015.
Tuy nhiên, do nhiều vấn đề vướng mắc, thi công cầm chừng, dự án tiếp tục xin lùi lại thời gian hoàn thành đến 2018, sau đó là năm 2022, và hiện nay là đến năm 2029.
Thành Đô (tổng hợp)