Hà Nội vẫn sẽ quá tải đăng kiểm trong 3 tháng tới
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa báo cáo UBND TP Hà Nội về công tác quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ của trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn.
Theo báo cáo, Hà Nội hiện có 26 trung tâm hoạt động với 39 dây chuyền. Có 10 dây chuyền không hoạt động do thiếu đăng kiểm viên. 4 trung tâm đang dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, 1 trung tâm tạm dừng để hoàn thiện về phòng cháy chữa cháy.
Dự kiến nhu cầu trong tháng 5 có hơn 161 nghìn phương tiện đến kỳ đăng kiểm. Con số này lần lượt trong tháng 6 là hơn 159 nghìn xe, tháng 7 là hơn 106 nghìn xe. Với 36 dây chuyền kiểm định hiện tại, năng lực đăng kiểm tại Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 47% trong tháng 5; 44% trong tháng 6 và 56% trong tháng 7.
Điều này đồng nghĩa với việc vẫn tiếp tục xuất hiện tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm. Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị UBND thành phố kiến nghị Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các địa phương để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139 của Chính phủ Quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe ôtô không kinh doanh vận tải từ 9 chỗ ngồi trở xuống ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại…
Đề nghị giải ngân 1.180 tỷ đồng cho Dự án hầm đường bộ Đèo Cả
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có báo cáo giải trình, làm rõ một số ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tại văn bản số 831/BKHĐT-PTHTĐT ngày 09/02/2023 liên quan đến nguồn vốn nhà nước hỗ trợ Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Theo Bộ GTVT: “Việc bố trí vốn nhà nước (1.180 tỷ đồng) tham gia, hỗ trợ dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội; phù hợp với chủ trương bố trí vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và thực hiện cam kết của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Hợp đồng dự án; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo niềm tin, môi trường thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra”, Bộ GTVT kiến nghị tại Công văn gửi Bộ KHĐT ngày 6/3/2023.
Trên cơ sở chủ trương số vốn Nhà nước tham gia, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án, ký hợp đồng, ngân hàng đã thẩm định và cho vay. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 1.180 tỷ đồng phần vốn Nhà nước cam kết đóng góp chưa được giải ngân cho dự án. Nhà đầu tư và ngân hàng đã phải tự ứng trước phần vốn thiếu hụt đó để hoàn thành đáp ứng tiến độ, đảm bảo hiệu quả tổng thể Dự án.
Dự án vẫn từng ngày từng giờ phục vụ xã hội, nhưng nhà đầu tư cho biết, họ đang “mắc kẹt” trên con đường hoàn vốn bởi sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước.
Đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2
Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình 5390/TTr-BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Tại tờ trình này có 2 thay đổi quan trọng l được Bộ Giao thông Vận tải đề nghị điều chỉnh so với Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 5/11/2020 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Tổng mức đầu tư mới của Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là 6.810,11 tỷ đồng, sử dụng nguồn Ngân sách Nhà nước; trong đó vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 5.591,98 tỷ đồng; vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030: 1.218,13 tỷ đồng.
Nếu được phê duyệt, tổng mức đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre sau điều chỉnh sẽ tăng 1.634,66 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Quyết định số 1741/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 đến năm 2026 thay vì năm 2025 như kế hoạch ban đầu.
Các nội dung khác sẽ gữ nguyên theo Quyết định số 1741/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Anh Nguyễn (tổng hợp)