Đau thương - đó là cảm xúc của bất kỳ ai khi nhìn thấy những hình ảnh người dân vùng lũ đang phải trải qua. Thời điểm hiện tại, cả nước đang chung tay giúp các nạn nhân khắc phục hậu quả mưa lũ. Chính sự đồng lòng, sẻ chia ấy của đồng bào cả nước đã giúp các nạn nhân an ủi phần nào, dẫu cho sự mất mát về tinh thần và thể chất của các nạn nhân là vô cùng to lớn. Đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia cứu hộ cứu nạn, một trong những hoạt động hỗ trợ sau thiên tai, bão lũ là chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh thuộc Viện Tâm lý Giáo dục BrainCare đã đưa ra 5 hoạt động sơ cứu tâm lý cho nạn nhân gặp thiên tai, với mong muốn giúp các nạn nhân của trận đại hồng thuỷ phần nào với bớt những mất mát và sớm hồi phục về tinh thần, dù rất khó khăn.
Hoạt động 1: Đảm bảo an toàn về thân thể và dinh dưỡng cho người bị nạn:
- Cung cấp nước sạch, đồ ăn chế biến sẵn như: mỳ tôm, bánh mỳ, lương khô, bánh trưng, bánh gai, thịt hộp, xúc xích,…
- Cung cấp đồ dùng y tế như: Thuốc cảm, thuốc sát trùng, thuốc bôi ngoài da, thuốc tiêu hóa, dầu gió,
- Cung cấp đồ vệ sinh các nhân: Xà phòng tắm, nước rửa tay khô, băng vệ sinh, tã lót cho trẻ em, thuốc đường huyết, huyết áp cho người cao tuổi…
Hoạt động 2: Sơ cứu cảm xúc cho nạn nhân (Hiệu quả tối ưu trong 6 tiếng đầu tiên gặp thiên tai)
- Cung cấp khăn, quần áo sạch cho nạn nhân để giữ cơ thể được ấm áp.
- Giới thiệu về tên của bạn và bạn ở đây để sẵn sàng hỗ trợ nạn nhân
- Luôn có người ở bên cạnh nạn nhân, lắng nghe cách nhìn nhận của nạn nhân về tình huống vừa xảy ra.
- Khuyến khích nạn nhân nói ra những cảm xúc đang có.
- Khi nói chuyện cố gắng đặt tầm mắt cùng với nạn nhân sử dụng những từ ngữ dễ hiểu để nâng đỡ tâm lý cho nạn nhân.
- Giúp nạn nhân thư giãn, hít thở sâu, cho phép nạn nhân bộc lộ cảm xúc và hành vi trong giới hạn an toàn.
Hoạt động 3: Những lời động viên phù hợp với nạn nhân gặp thiên tai
“Sự hiện diện của bạn ở thời điểm hiện tại là một sự kỳ diệu sau thảm họa, bạn đã được thoát ra khỏi sự kiện vừa rồi, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ những gì để bạn được an toàn.”
“Các cảm xúc bàng hoàng, lo sợ, hoảng loạn, né tránh, ám ảnh, bất lực, đau đơn,… sẽ diễn ra với bất kỳ ai gặp phải thảm họa và rồi chúng cũng sẽ vơi bớt dần theo thời gian.”
“Khi bạn ở một mình, những suy nghĩ về sự kiện đã qua sẽ tái hiện trong tâm trí và bạn sẽ cảm nhận nó như vừa xảy ra một lần nữa, đây là một hiện tượng tâm lý sẽ xảy ra vậy nên bạn cố gắng giữ sự bình tĩnh, hít thở thật sâu.”
“Đôi khi bạn cảm thấy mình như muốn tức giận, muốn phát điên lên, rồi sợ hãi, hoảng loạn, cố gắng không nói về những gì đã diễn ra với mình và người thân, đây là sự biến chuyển tâm lý sau sự kiện, bạn có quyền được bộc lộ cảm xúc của mình và cho phép chúng tôi ở bên cạnh để hỗ trợ bạn.”
Lưu ý: Cần tinh tế, linh hoạt sử dụng các thông điệp phù hợp với đặc điểm tâm lý của nạn nhân sau thảm họa.
Hoạt động 4: Hướng dẫn nạn nhân hít thở thư giãn
- Hướng dẫn nạn nhân các kỹ thuật tiếp đất: “Phương pháp 5 – 4 – 3 – 2 – 1” tập trung vào 5 giác quan thị giác, xúc giác, âm thanh, khứu giác và vị giác
- Nhìn vào 5 thứ xung quanh bạn: Hãy suy nghĩ về từng đồ vật trong thời gian ngắn, cố gắng chú ý đến màu sắc, kết cấu và hoa văn và tập trung đồ vật khiến tâm trí được thư giãn nghỉ ngơi.
- Nghe 4 âm thanh riêng biệt: có thể là những âm thanh mà bạn yêu thích như tiếng chim, tiếng gió,…
- Chạm vào 3 thứ ở gần bạn: để cho các xúc chạm làm phân tâm các cảm xúc khó chịu bạn đang gặp phải.
- Nhận biết 2 mùi khác nhau: đó có thể là mùi của đồ ăn, mùi của hương hoa, mùi cây cỏ giúp bạn thư giãn.
- Nếm thử một thứ gì đó: ăn một chút đồ có thể là bánh, uống một chút nước, ăn một viên kẹo,… cảm nhận vị giác của mình.
Hoạt động 5: Những điều hạn chế khi sơ cứu cảm xúc cho nạn nhân
Đừng đặt câu hỏi quá nhiều để nạn nhân kể chuyện mà cần kiên nhẫn, chờ đợi cho đến khi họ sẵn sàng chia sẻ cảm xúc.
Đừng nói về người thân của nạn nhân nếu họ không nhắc tới.
Đừng để nạn nhân một mình mà luôn có người ở bên cạnh.
Không nên chạm vào nạn nhân nếu như bạn không chắc chắn đó là phù hợp
Hạn chế những vật sắc nhọn có thể gây nguy hiểm đến nạn nhân.
Đừng đưa ra lời hứa hoặc đảm bảo nếu như không chắc chắn
Không kể vấn đề của bản thân hay vấn đề của người khác.
Không suy đoán cảm xúc của nạn nhân, đừng nói: “Bạn nên cảm thấy may mắn khi còn sống sót”
Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh