Ngành công nghiệp trò chơi điện tử luôn rất khó đoán và thậm chí, nó chẳng khác gì một canh bạc khi các nhà phát triển có thể vụt lên thành sao sáng với những dự án hit đình đám. Nhưng ngược lại, cả studio cũng dễ dàng rơi vào một tương lai mờ mịt sau một sản phẩm thất bại. Bản chất thời gian phát triển dài, giá thành sản xuất đắt đỏ sẽ khiến các studio khó lòng phục hồi kịp sau một thất bại. Thế nên, đôi khi chỉ một lần thất bại, đó sẽ là dấu chấm hết của những nhà phát triển game. Và đã không ít lần, những dự án đã thành công vượt ngoài mong đợi, qua đó "cứu sống" các nhà phát triển game theo đúng nghĩa đen.
NieR: Automata
Nhà phát triển PlatinumGames đã từng tạo được tiếng vang của mình trên bản đồ làng game thế giới thông qua dự án Bayonetta - một trò chơi hành động rất sáng tạo ở thời điểm bấy giờ. Thế nhưng sau dự án này, PlatinumGames gặp khó với vô số những dự án thất bại. Bản thân Bayonetta 2 cũng không thành công như mong đợi khi phát hành độc quyền trên Nintendo trong khi Metal Gear Rising: Revengeance cũng bế tắc cho tới trước khi được hồi sinh vào năm 2020.
Thế nhưng, trong lúc đang gặp khó khăn đủ đường, sự thành công của NieR: Automata chẳng khác nào một cơn gió mát lành xóa bỏ mọi thất bại, khó khăn trước đó của nhà phát triển này. Chẳng những đưa PlatinumGames trở lại, nó còn giúp nhà phát triển xua đi nỗi lo tài chính đang đặt nặng lúc bấy giờ.
Divinity: Original Sin
Nhắc tới Larian Studios, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới Baldur's Gate 3 - tựa game đang tràn đầy cơ hội đoạt giải thưởng trò chơi hay nhất năm 2023. Thế nhưng ít ai biết rằng, trước đó Larian Studios chỉ là một cái tên vô danh và thật sự được nhắc tới chỉ sau khi ra mắt Divinity: Original Sin.
Sau thành công của Divinity: Original Sin, Larian Studios bắt đầu nhận được tài trợ nhiều hơn và hiện tại, họ đã trở thành một trong những nhà phát triển game nhập vai hàng đầu trên thế giới. Trong đó, thành công của Baldur's Gate 3 cũng được lấy cảm hứng rất nhiều từ Divinity: Original Sin.
Hitman
Thương hiệu Hitman của IO Interactive được game thủ yêu thích vào những năm 2000 nhưng bắt đầu gặp khó khăn sau một vài phiên bản. Sau nhiều năm tạm dừng, Hitman: Absolution - phiên bản kế tiếp trong series không tạo được ấn tượng. Cùng thời điểm, các dự án khác của IO Interactive như Kane và Lynch cũng thất bại thảm hại. Uy tín của studio này bắt đầu tụt giảm cho tới khi họ khởi động lại dự án Hitman Reboot vào năm 2016.
Mặc dù hoạt động không quá tốt về mặt thương mại, thế nhưng việc khởi động lại thương hiệu Hitman đã giúp cho IO Interactive khôi phục được niềm tin từ phía các game thủ. Để rồi sau đó, Hitman 2 và Hitman 3 đều đã trở thành những siêu phẩm với mốc doanh thu, lợi nhuận khổng lồ.