Ngày 23/9, mạng xã hội liên tục chia sẻ clip về một buổi đào tạo với dòng trạng thái "Cả hội trường khóc nấc khi những thành viên thiếu nỗ lực, thiếu KPI bị siêu chủ tịch búng dây chun".
Cụ thể, trong buổi đào tạo người lãnh đạo đã cho người liên tục kéo căng nhiều dây chun đang đeo ở cổ tay 2 người cô gái rồi bật thật mạnh. Lực tác động mạnh và căng khiến tay 2 cô gái tham gia đỏ ửng, phồng rát. Trò chơi được thuyết minh là nhằm "minh họa sức mạnh của đội nhóm, sự đoàn kết và sự thiệt thòi của thủ lĩnh".
Sau chương trình trên, sự việc gây ồn ào trên khắp các trang mạng xã hội, cô gái trực tiếp tham gia thử thách "trừng phạt" này đã lên tiếng, cô thấy rất đau, cảm giác khó chịu tưởng không vượt qua được. Tuy nhiên, cô gái cho rằng đây chỉ là một thử thách bình thường trong vô số những thử thách đáng sợ mà người bán hàng hệ thống phải vượt qua khi tham gia các khóa đào tạo…
Trao đổi với PV, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Thảo (chuyên gia tham vấn tâm lý Đại học VinUni) cho rằng, đoạn video được ghi lại tại một thời điểm nhất định có thể chưa đủ để đánh giá rõ ràng về tình huống cũng như văn hóa ở công ty này.
“Chưa nói đến việc đúng hay sai, điều khiến rất nhiều người vô cùng khó hiểu và quan tâm lý do tại sao trong tình huống bị làm đau về cơ thể và chịu đựng tổn thương về tinh thần, rất nhiều người tham gia vẫn đồng ý tiếp tục và ủng hộ cách làm này, thậm chí chia sẻ về sự hữu ích và cảm thấy được truyền động lực?”.
Trong nhiều trường hợp khác, không chỉ công sở mà trong gia đình, trường học... có những người sẽ chấp nhận việc mình ở trong những tình huống mà đại đa số những người khác cho rằng rất bất thường hoặc thậm chí gây tổn hại cho họ.
Theo Thạc sĩ Thảo, có thể có rất nhiều hiệu ứng tâm lý và những lý do đặc biệt khiến cho nhận thức của mỗi người về “điều gì là bình thường” là khác nhau. Tương tự, cũng có thể có những bối cảnh và lý do cá nhân khiến mỗi người, trước cùng 1 tình huống giống nhau, sẽ có phản ứng và cách hành xử khác nhau.
“Ví dụ, có một thành ngữ trong tiếng Anh là “Boiling frog” – tạm dịch là “Con ếch bị đun sống”. Nó là minh họa cho việc khi bị gây áp lực hoặc tổn thương chậm và từng chút một, người ta bình thường hóa và dễ chấp nhận nó. Giống con ếch khi bị đun sống, ban đầu nước âm ấm nên con ếch cứ ngồi nguyên trong nồi vì nó chịu được, mặc dù nó nhảy ra được bất cứ lúc nào. Nhưng rồi nước cứ nóng dần, nóng dần, rồi con ếch sẽ chết trong nồi lúc nào không biết. Thế nhưng, nếu thả con ếch vào một nồi nước nóng ngay từ đầu, nó sẽ nhảy ra ngay lập tức. Như vậy, chúng ta liệu có hiểu một ai đó đã trải qua quá trình ‘bị đun sống’ ở trong nồi nước như thế nào?”
Bà Thảo cũng cho biết thêm, tâm lý của người xem video và người tham gia trò chơi cũng rất khác nhau. “Những người xem chúng ta có thể đang ngồi trong một căn phòng an toàn, với tâm lý thư thái và đang cầm chiếc điện thoại để giải trí. Nhưng hãy tưởng tượng bạn bị đặt ở trong một tình huống đầy áp lực trước đám đông, phải chịu đựng những thử thách và tổn thương về cả cơ thể và lời nói. Rồi bỗng sau đó, có người ôm, an ủi động viên bạn và cả đám đông lúc đó thì đồng lòng công nhận và tung hô bạn. Đối với bạn lúc đó quả là một khoảnh khắc kỳ tích! Đặc biệt là so với một phút trước đó, những điều này thậm chí đã đủ làm bạn khóc òa vì xúc động. Đó là lý do tại sao trong khi những người tham gia tự nguyện và ủng hộ chương trình này, thì rất nhiều người xem lại cảm thấy nó vô cùng bất thường.”
Đối với tình huống trong trò chơi trên, chuyên gia tâm lý nói, các doanh nghiệp cần phải rất cân nhắc về chương trình đào tạo để đảm bảo một môi trường chuyên nghiệp. Việc bắn dây chun là một hành động gây đau đớn và tổn thương về cơ thể, đi kèm với những lời nói và thái độ gây áp lực lớn về tinh thần.
Việc cố ý gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của người khác, dù là vì bất cứ mục đích nào, cũng là điều không nên được ủng hộ. Cần phải xác định giới hạn an toàn và hợp pháp cho các hoạt động trong một môi trường công sở chuyên nghiệp để bảo vệ cả người lao động và doanh nghiệp, không để cảm xúc lấn át khi xây dựng chương trình. Trên hết, mỗi cá nhân cũng nên hiểu rõ về quyền của mình, đưa ra những lựa chọn sáng suốt khi tham gia vào các hoạt động.
“Chỉ khi chính chúng ta yêu thương bản thân và biết chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho chính mình, khi ấy chúng ta sẽ thực sự có động lực để phát triển toàn diện nhất”, chuyên gia chia sẻ.
Cũng nói về tình huống trên, ông Trần Văn Tuân (một giám đốc công ty chuyên tổ chức sự kiện) chia sẻ, không trong bối cảnh và nội dung huấn luyện của công ty kia nên cũng khó hiểu họ đã phổ biến luật chơi cũng như luật trong chương trình huấn luyện của họ.
Tuy nhiên, nhìn về mặt hình thức, có thể nhận thấy hành động của những người chơi trong chương trình là một “hình phạt”, chứ không phải là một trò chơi trong teambuilding.
“Là người làm game, an toàn là số 1 và vô cùng quan trọng cho người tham gia. Game phải mang lại những giá trị và bài học tích cực, mang tính khích lệ, cổ vũ người tham gia”, vị này nhấn mạnh.
Minh Ngọc