Yêu cầu các hãng báo cáo kế hoạch bay Tết Nguyên đán
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các Hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines về kế hoạch khai thác và công tác chuẩn bị phục vụ giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đó, để chủ động phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa và đảm bảo trật tự, an toàn trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam báo cáo về nhu cầu thị trường, kế hoạch khai thác, nhu cầu sử dụng slot (giờ cất, hạ cánh) tại các cảng hàng không sân bay trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 25/1 đến ngày 24/2/2024, tức ngày 15 Tháng Chạp đến ngày 15 Tháng Giêng Âm lịch).
Ngoài ra, các đơn vị nêu trên cần báo cáo kế hoạch tăng tải cung ứng trên các đường bay cụ thể trong giai đoạn cao điểm Tết, trong đó so sánh, đánh giá với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và kiến nghị (nếu có) liên quan đến việc tăng tải cung ứng trên các đường bay trong giai đoạn này.
Trước đó, đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, từ ngày 13/9 vừa qua, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) công bố cung ứng 3 triệu chỗ trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế, trong giai đoạn từ ngày 25/1 đến 24/2/2024 (tức 15 tháng Chạp năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Chưa thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư
Bộ GTVT vừa hoàn chỉnh dự thảo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) và giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2). Báo cáo cũng đề cập tới việc triển khai nhiệm vụ “xây dựng phương án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương”. Đây là nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ thực hiện trong nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự thảo đã hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Trong cùng kỳ họp Quốc hội cuối năm nay này, Chính phủ cũng trình Dự thảo Luật Đường bộ, trong đó có nội dung quy định về thu phí để thu hồi vốn của Nhà nước đầu tư vào cao tốc, cao tốc Nhà nước sở hữu, quản lý và khai thác.
Để tránh việc một kỳ họp Quốc hội thảo luận 2 lần về cùng một nội dung thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT đã đề nghị và được Chính phủ chấp thuận kiến nghị Quốc hội chưa xem xét ban hành riêng nghị quyết về thu phí. Do đó, việc thu phí đường bộ trên cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ chỉ thực hiện theo Luật Đường bộ khi được thông qua và có hiệu lực (dự kiến năm 2025); không thực hiện thu thí điểm bằng nghị quyết riêng trước khi luật có hiệu lực.
Trước đó, trình phương án thu phí cao tốc đầu tư công, Bộ GTVT đề xuất thí điểm thu phí các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, đặc biệt tuyến cao tốc Bắc - Nam bằng nghị quyết của Quốc hội. Việc thu phí thí điểm trên được thực hiện trước khi Luật Đường bộ được thông qua và có hiệu lực, với các tuyến cao tốc đầu tư công đã đưa vào khai thác.
Chưa chọn được nhà thầu làm 112km cao tốc đường Vành đai 4 Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo báo cáo, đến tháng 3/2023, UBND thành phố Hà Nội đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định. Đến nay, công tác thẩm định đã cơ bản hoàn thành, dự kiến phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý 4/2023.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Dự án thành phần 3 chậm tiến độ là do có quy mô, tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều quy hoạch nên thời gian thỏa thuận, thống nhất với các bộ, ngành và địa phương kéo dài. Ngoài ra, việc triển khai dự án theo phương thức PPP đã phát sinh một số vướng mắc cần được tháo gỡ nên kéo dài thời gian chuẩn bị dự án, đến nay chưa hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Hiện, dự án vẫn chưa thống nhất về cơ quan lập thiết kế, thời điểm phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 76 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP và khoản 2 Điều 23 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, đối với trường hợp tách thành tiểu dự án trong dự án PPP thì chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị dự toán của tiểu dự án đầu tư công khi doanh nghiệp dự án hoàn thành công trình, thanh toán giá trị còn lại khi doanh nghiệp dự án được xác nhận hoàn thành công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, hiện không quy định về khoản chi phí lãi vay đối với phần vốn doanh nghiệp dự án phải huy động để thực hiện tương ứng 50% khối lượng tiểu dự án đầu tư công.
“Do chưa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi nên dự án thành phần này chưa triển khai bước thiết kế kỹ thuật, chưa lựa chọn xong nhà thầu thi công xây dựng,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)