Đề xuất quy định niên hạn xe tập lái
Để quản lý tốt xe tập lái, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2016, Bộ GTVT đề xuất quy định niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch. Theo đó, xe tập lái hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất). Xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn tối đa từ 17-25 năm.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc quy định niên hạn đối với xe ô tô dùng để sát hạch là cần thiết. Lý do là việc sử dụng ô tô cũ để học viên sát hạch gây mất an toàn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện bài thi sát hạch của học viên.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, xe cũ vừa mất an toàn, tốn nhiều xăng dầu, học viên cũng không muốn học trên xe quá cũ. Nhiều sở GTVT cũng phản ánh, xe tập lái quá cũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng không có căn cứ để thay xe mới.
Ông Thống cho rằng, đào tạo lái xe cũng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tần suất hoạt động lớn nên việc quy định niên hạn là phù hợp, giải quyết nguy cơ mất an toàn trong đào tạo, sát hạch lái xe.
"Qua thống kê, số lượng xe tập lái trên 20 năm có khoảng 6.000 chiếc, chiếm 14% trong tổng số xe hạng B. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch. Quy định đưa ra không phải cấm ngay mà sẽ có lộ trình thực hiện phù hợp", ông Thống cho hay.
2 trạm thu phí không dừng liên tục bị mất kết nối
Chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh vừa có báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam về tình trạng hệ thống thu phí tự động không dừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) tại trạm thu phí Bến Thủy và Bến Thủy 2 thường xuyên bị mất kết nối với máy chủ.
Theo báo cáo của đơn vị này, từ ngày 16/4/2022, chi nhánh đã bàn giao công tác vận hành thu phí tại trạm thu phí Bến Thủy và Bến Thủy 2 cho Công ty VETC. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, hệ thống thu phí của Công ty VETC vẫn xảy ra nhiều lỗi, đặc biệt là hệ thống thu phí mất kết nối với máy chủ. Khi đó, nhân viên thu phí phải mở cưỡng bức cho phươg tiện qua trạm, sau đó tạo giao dịch offline, gây ùn tắc tại trạm thu phí, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát doanh thu của nhà đầu tư BOT.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) cho biết sự việc mất kết nối mạng đầu tháng 9 vừa qua nguyên nhân chính là do tủ điện tại trạm Bến Thủy 1 bị nhảy aptomat chống rò, khiến bộ lưu điện của máy chủ cạn pin và mất điện máy chủ. Sau khoảng 15 phút, nhân sự tại trạm thu phí đã xử lý khôi phục lại dịch vụ. Ngay sau đó, VETC đã lắp đặt toàn bộ còi cảnh báo khi hệ thống thiết bị tại trạm bị mất điện lưới.
Đến giữa tháng Chín, do lỗi kênh truyền dẫn đến kết nối đầu cuối (back-end) bị chập chờn. VETC đã ngay lập tức phối hợp với Nhà cung cấp dịch vụ kênh truyền dữ liệu khôi phục và đã có giải pháp ngăn ngừa sự cố tương tự.
Trước đó, vào tháng Tám có 2 lần mất kết nối, nguyên nhân chính là do hệ thống xử lý xe qua trạm bị quá tải dẫn đến giao dịch xử lý xe qua trạm chậm, gây chập chờn dịch vụ.
“Để khắc phục tình trạng này Công ty VETC đã có kế hoạch nâng cấp tổng thể hệ thống Back-end và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023,” ông Thắng khẳng định.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Công ty VETC khẩn trương rà soát, sửa chữa và khắc phục ngay lỗi mất kết nối với máy chủ của hệ thống thu phí ETC tại Trạm thu phí Bến Thủy, Bến Thủy 2 đồng thời yêu cầu báo cáo nguyên nhân, phương án sửa chữa và kết quả khắc phục về Cục
Thành Đô (tổng hợp)