Sẽ trình Thủ tướng quy hoạch sân bay thứ hai vùng Thủ đô
Ban cán sự Đảng Bộ GTVT vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong giai đoạn 2026 - 2030.
Cùng đó, sẽ cải tạo, nâng cấp mở rộng Cảng HKQT Nội Bài theo quy hoạch, góp phần xây dựng và phát triển TP Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.
Bộ GTVT cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư cầu Đuống để tăng cường năng lực vận tải trên sông Hồng; hoàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Cổ Tiết - Chợ Bến vào năm 2025 để triển khai đầu tư tuyến, hoàn thành trước năm 2030 theo quy hoạch; Nghiên cứu huy động vốn đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long, tuyến đường sắt vành đai nhánh phía Đông đoạn Bắc Hồng - Yên Viên - Lạc Đạo - cầu Mễ Sở - Ngọc Hồi.
Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với Hà Nội đấy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt đô thị, các cầu vượt sông Hồng (cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở), cầu vượt sông Đuống, các tuyến trục hướng tâm.
Về nguồn vốn thực hiện các mục tiêu trên, Bộ GTVT xác định ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô; thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn gắn với các đầu mối vận tải lớn, đường sắt đô thị.
Báo động 3 dự án ODA giao thông lớn chậm tiến độ
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến đầu tháng 4/2023, có 3 dự án ODA giao thông vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu bao gồm: Dự án Kênh nối Đáy-Ninh Cơ, kết nối giao thông miền núi phía Bắc và kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.
Theo đó, dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ do Ban QLDA Đường thủy làm chủ đầu tư đã thông cầu vượt Âu ngày 20/3/2023, sản lượng đạt 77%, chậm 10% do các nhà thầu thi công chậm. Tại dự án này, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu ký cam kết và tập trung thi công đảm bảo hoàn thành dự án trước ngày 30/6/2023.
Đối với dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tính đến nay, 8/11 gói thầu đã được triển khai thi công (XL1, XL2, XL4, XL, XL6, XL-08; XL09, XL10); 3 gói thầu còn lại (XL3, XL7, XL11), công tác lựa chọn nhà thầu rất chậm; kinh phí GPMB tăng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chưa hoàn thiện. Được biết, chi phí GPMB dự án này đã lên tới 1.020 tỷ đồng (tăng hơn 708 tỷ đồng). Bộ GTVT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng.
Dự án thứ ba là dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, tính đến đầu tháng 4/2023, sản lượng thi công dự án mới đạt 40,2%, chậm khoảng 7,8% so với kế hoạch. Với dự án này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị WB gia hạn hiệp định thêm 22 tháng, điều chỉnh thời gian hoàn thành từ năm 2023 sang năm 2025.
Sẽ lắp đặt dải phân cách ở ngã tư Hàng Xanh như đề xuất của PC08
Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức phân luồng giao thông theo Đề xuất của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt TP.HCM (PC08) để đảm bảo an toàn giao thông khu vực ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh.
Đây là khu vực có mật độ giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ách tắc vào giờ cao điểm. Phương án phân luồng như sau: Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến đường Bạch Đằng) sẽ cấm dừng xe và đỗ xe trong khoảng thời gian từ 6-8 giờ và 16-18 giờ, cấm đỗ xe từ 8-16 giờ và từ 18-22 giờ.
Đồng thời, Sở GTVT TP cũng sẽ dịch chuyển dải phân cách tim đường khoảng 45m sang trái 1,5m (hướng từ ngã tư Hàng Xanh đến đường Bạch Đằng).
Trên đường Điện Biên Phủ sẽ lắp đặt dải phân cách di động tại chân cầu vượt Hàng Xanh và bàn giao cho lực lượng CSGT để chủ động điều tiết giao thông tại khu vực.
Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM cũng đã có văn bản gửi Công ty CP công trình giao thông Sài Gòn yêu cầu nhanh chóng triển khai di dời, sản xuất, lắp đặt biển báo và dải phân cách di động trên đường Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh và khu vực ngã tư Hàng Xanh.
Dự kiến trước ngày 12-4, các công việc lắp đặt biển báo sẽ hoàn thành.
Trước đó, PC08 đã kiến nghị Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) kiến nghị khắc phục bất cập tổ chức giao thông trên địa bàn TP.
Thành Đô (tổng hợp)