Kiến nghị tự động giãn chu kỳ đăng kiểm
Quy định về việc miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới và giãn chu kỳ đăng kiểm đối với nhiều loại xe đã chính thức được áp dụng, tuy nhiên không có giá trị hồi tố, chỉ áp dụng đối với những kỳ đăng kiểm tiếp theo của phương tiện.
Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, số lượng phương tiện thuộc đối tượng miễn kiểm định lần đầu mỗi năm chỉ khoảng trên 500 nghìn xe, lại rải đều trong năm, do vậy nhóm phương tiện này không đủ tác động mạnh làm giảm tình trạng quá tải và ùn tắc tại các trạm đăng kiểm hiện nay.
Theo số liệu công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sẽ có 3,1 triệu xe không kinh doanh vận tải (xe mang biển trắng) được giãn chu kỳ kiểm định, nhưng phải đến chu kỳ kiểm định tiếp theo mới được thực hiện quy định này. Do vậy số lượng phương tiện đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới vẫn rất lớn, tình trạng quá tải tại các trạm đăng kiểm sẽ còn diễn ra trong thời gian dài.
Tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn xảy ra tình trạng ách tắc, phương tiện chờ đợi xếp thành hàng dài tại các trạm đăng kiểm, nhiều phương tiện phải chờ đợi nhiều ngày mới được thực hiện đăng kiểm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc đăng kiểm xe cơ giới, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải ngay từ chu kỳ đăng kiểm hiện tại.
Như vậy, xe thuộc diện được giãn chu kỳ kiểm định theo Thông tư số 2/2023 thì chủ phương tiện chỉ mang theo các giấy tờ cần thiết gồm đăng ký xe, sổ kiểm định đến trạm đăng kiểm để làm thủ tục và được cấp tem kiểm định mới phù hợp với thời gian được gia hạn mà không phải mang xe đi đăng kiểm.
Đề xuất hiện đang thu hút sự chú ý của dư luận.
TP.HCM muốn đổi tên gần 8km đường Xa lộ Hà Nội thành Võ Nguyên Giáp
UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến về việc đổi tên đường Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức) thành đường Võ Nguyên Giáp.
Đoạn đường được kiến nghị đổi tên dài 7,7km, trong đó, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức dài 5,9km; đoạn từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Thủ Đức dài 1,8km.
Qua khảo sát, địa phương ghi nhận tỷ lệ 91,57% ý kiến từ người dân 8 phường thuộc đoạn đường Xa lộ Hà Nội đồng ý về việc đổi tên.
Theo UBND thành phố, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức dự kiến được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp sẽ hình thành một trục xuyên suốt gồm: Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ - có ý nghĩa gắn kết giữa sự kiện lịch sử với nhân vật lịch sử (chiến dịch Điện Biên Phủ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Việc đổi tên đường Võ Nguyên Giáp có ý nghĩa góp phần thuận lợi trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ và giúp người dân tra cứu về tên đường, địa danh thuận tiện.
Ngoài ra, việc đổi tên đường còn thể hiện tình cảm thiêng liêng gắn bó giữa nhân dân TP.HCM với đại tướng và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Hơn 3.200 phương tiện bị thu hồi phù hiệu do chạy quá tốc độ nhiều lần/tháng
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến hết ngày 30/3/2023, trên cả nước có 939.308 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Theo thống kê trên hệ thống, trong 2 tháng đầu năm cả nước có tổng số 3,03 triệu lần phương tiện vi phạm tốc độ, tỷ lệ số lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000km xe chạy là 0,81 lần/1.000km, giảm 1,82 % so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê của các Sở GTVT có khoảng 200.000 xe thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định; qua theo dõi cho thấy đến nay, các đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện việc lắp đặt xong đối với toàn bộ các phương tiện có tham gia hoạt động kinh doanh vận tải theo đúng quy định.
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2023, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 3.124 phương tiện (đối với các trường hợp vi phạm tốc độ từ 05 lần/1000 km trở lên/tháng); thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 8.361 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.
Bên cạnh đó, các Sở GTVT tiếp tục thực hiện tra cứu, cung cấp dữ liệu của các phương tiện theo yêu cầu của các cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra và đảm bảo an toàn giao thông trên cả nước.
Diễm Vỹ (tổng hợp)