Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân.
Theo đó, Bộ kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ôtô.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
Cũng theo kiến nghị của Bộ GTVT, mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra; giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định; không giới hạn công suất dây chuyền kiểm định để phát huy hết năng lực của đơn vị đăng kiểm; cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 139) được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực.
Bộ GTVT cũng kiến nghị cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm; các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô được phép hoạt động kiểm định xe ôtô.
Các kiến nghị nêu trên nếu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có kế hoạch sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới đồng thời nghiên cứu, cập nhật bổ sung vào nội dung Nghị định sửa đổi.
Về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan này xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (Nghị định 139) theo trình tự, thủ tục rút gọn để cập nhật, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình hiện nay và xu thế phát triển.
Trước đó, tính đến hết ngày 9/3, tại Hà Nội chỉ còn 6 Trung tâm đăng kiểm hoạt động, con số tương ứng tại TP.HCM là 10. Điều này gây ra nhiều nguy cơ "đứt gãy" chuỗi đăng kiểm. Bộ GTVT cũng đã có nhiều kiến nghị gửi tới các cơ quan, bộ ngành để tìm cách phối hợp gỡ khó cho hoạt động đăng kiểm. Đến sáng 10/3, Hà Nội cũng đã có thêm 2 Trung tâm đăng kiểm được đưa vào hoạt động trở lại là Trung tâm 2903S nằm trên đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm và Trung tâm 2914 tại khu công nghiệp Thanh Oai, huyện Thanh Oai. Tuy nhiên, mỗi trung tâm này cũng chỉ có 1 dây chuyền hoạt động. Như vậy, Hà Nội sẽ có 8/31 trung tâm mở cửa với 13/61 dây chuyền. Trong đó 6 trung tâm từng bị khám xét, khởi tố đăng kiểm viên và được mở lại sau khi bổ sung nhân sự. TPHCM có 10/19 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động với 22/48 dây chuyền.
Trong bối cảnh lượng xe đến hạn kiểm định tháng 3 tại Hà Nội là 68.690, khả năng các trung tâm đăng kiểm chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Tương tự tại TPHCM, với số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 dự kiến 44.350, khả năng đáp ứng chỉ 49% nhu cầu.
Ngày 9/3 Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng vận động đăng kiểm viên tại các tỉnh thành chưa xảy ra tình trạng ùn tắc đến hỗ trợ cho Hà Nội, TPHCM và những điểm nóng khác. Cục cũng phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2023 với 142 chỉ tiêu; xem xét ký hợp đồng với cán bộ đăng kiểm nghỉ hưu.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)