Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), quốc gia này đã xuất khẩu 389.000 xe năng lượng mới (NEV) trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng hơn 100% so với năm ngoái. NEV bao gồm xăng-điện (hybrid), plug-in, pin và pin nhiên liệu. Mặc dù vậy, bản thân nhà máy Tesla ở Thượng Hải (Gigafactory Shanghai) đóng góp một phần lớn vào doanh số NEV xuất khẩu, cụ thể 97.182 xe (48%), khiến sản lượng NEV khác thấp đi rất nhiều.
CAAM cho biết ba thị trường xuất khẩu NEV lớn nhất của Trung Quốc là Bỉ, Anh và Thái Lan. Đồng thời, con số cũng phát triển theo cấp số nhân ở Mexico.
Bên cạnh đó, các mẫu NEV cao cấp cũng giúp làm tăng giá trị xuất khẩu ô tô của quốc gia này. Dữ liệu từ Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA) cho thấy giá trị trung bình của một chiếc ô tô Trung Quốc xuất khẩu là 12.900 USD trong năm 2018, nhưng đã tăng lên 18.900 USD vào tháng 8/2022.
Với những thành tựu này, không bất ngờ khi các hãng xe điện Trung Quốc đang đặt kỳ vọng cao khi mở rộng ra thị trường quốc tế. Nhưng liệu người tiêu dùng có đón nhận những công ty mới gia nhập hay không lại là một dấu hỏi lớn.
Tham vọng từ BYD
Nhằm mở rộng hoạt động ra nước ngoài, vào tháng 7, hãng xe điện có trụ sở tại Trung Quốc là BYD đã giới thiệu ba mẫu EV chở khách tại Nhật Bản với mục tiêu bán ra thị trường vào năm 2023. Về cơ bản, BYD muốn nhắm đến các mẫu xe sản xuất hàng loạt thay vì xe giá rẻ hoặc hạng sang tại Nhật Bản, nơi họ phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu lớn như Toyota. Gia nhập thị trường Nhật Bản, BYD có thể tận dụng lợi thế đó là các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận xe BEV (chạy hoàn toàn bằng pin).
Vào cuối tháng 9, BYD cũng ra mắt ba mẫu xe BEV tại châu Âu và sử dụng pin do công ty tự phát triển. Những chiếc xe này của BYD sẽ được bán tại Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Đức. Bên cạnh đó, công ty cũng đang đặt mục tiêu đưa các mẫu xe này đến Pháp và Anh vào cuối năm nay.
Chưa dừng lại ở đó, BYD cũng đã đạt được tiến bộ trong thị trường xe cho thuê tại châu Âu. Theo Reuters, gần đây họ đã đạt thỏa thuận bán 100.000 EV cho Sixt - một công ty cho thuê xe của Đức. Sixt cho biết thương vụ sẽ được hoàn thành theo từng giai đoạn trước năm 2028. Lô xe đầu tiên sẽ được giao vào quý 4/2022.
Vào ngày 11/10, BYD cũng thông báo rằng họ bắt đầu gia nhập thị trường xe du lịch Ấn Độ với một mẫu SUV chạy điện có tên Atto 3. Công ty được cho là đặt mục tiêu bán 15.000 chiếc Atto 3 tại Ấn Độ trong năm tới. Những chiếc xe này được lắp ráp tại nhà máy của BYD gần Chennai. BYD cũng có kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất xe điện tại Ấn Độ vào thời điểm thích hợp.
Dịch vụ đăng ký cho thuê xe - cách NIO lôi kéo khách hàng
NIO - công ty khởi nghiệp EV hàng đầu từ Trung Quốc - cũng vừa tổ chức một sự kiện ra mắt châu Âu tại Berlin vào đầu tháng 10. Công ty này lần đầu tiên có mặt tại thị trường ngoài Trung Quốc vào tháng 5/2021, với Na Uy là thị trường đầu tiên. Ở lần ra mắt mới đây, NIO đã tung ra ba mẫu xe ở Đức, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển, cùng với dịch vụ đăng ký cho thuê xe.
Công ty dự Trung Quốc định sử dụng dịch vụ này để khuyến khích sử dụng xe điện. Hãng cho biết xe đi kèm với các kỳ hạn thuê pin lên đến 60 tháng. Người dùng sẽ nhận được bảo hiểm, bảo dưỡng, lốp xe mùa đông, thay pin và các dịch vụ khác.
Với mục tiêu ủng hộ chương trình thay thế pin, NIO đã đưa dịch vụ này đến châu Âu. Để phục vụ chiến lược kinh doanh này, hãng đã xây dựng các trạm hoán đổi pin ở Thụy Điển và Đức. Công ty đặt mục tiêu xây dựng 20 trạm hoán đổi pin ở châu Âu vào cuối năm nay trước khi nâng lên con số 120 vào năm tới với nhiều địa điểm khác nhau ở châu Âu như Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan.
Cơ hội và thách thức
Theo sau BYD và NIO, Voyah - một công ty con của Dongfeng Motor có trụ sở tại Trung Quốc chuyên về EV - đã sẵn sàng mở rộng hoạt động khi 500 chiếc EV đầu tiên của họ đã được chuyển đến Na Uy vào cuối tháng 9. CEO Lu Feng của Voyah tin rằng xe điện được sản xuất tại Trung Quốc có thể cạnh tranh trên thị trường châu Âu về hiệu suất và các tính năng thông minh. Hơn nữa, việc chuyển sang sử dụng EV là một cách thức đối với các nhà sản xuất xe động cơ đốt trong nổi tiếng của châu Âu, do đó các công ty ô tô Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội và phát triển tại địa phương.
Một số nhà quan sát thị trường cho biết nhiều người tiêu dùng tin rằng EV do Trung Quốc sản xuất có xu hướng cung cấp tỷ lệ giá/hiệu suất cao hơn. Nếu các nhà sản xuất ô tô có thể đảm bảo hầu hết các nhà cung cấp ở Trung Quốc, họ có thể giảm chi phí một cách hiệu quả và tạo ra lợi thế để phát triển ở nước ngoài.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc sẽ giúp các nhà sản xuất EV có đòn bẩy để mở rộng ra nước ngoài. Tại một cuộc họp báo vào đầu tháng 9, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Li Fei, cho biết chính phủ sẽ giúp các nhà sản xuất NEV phát triển ở thị trường nước ngoài bằng cách khuyến khích các ngân hàng Trung Quốc cung cấp các ưu đãi tài chính tiêu dùng ở nước ngoài. Ông Li cũng cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ làm việc để tăng cường vận chuyển hàng xuất khẩu, bao gồm cả vận chuyển NEV thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc - Châu Âu.
Mặt khác, các nhà sản xuất EV của Trung Quốc sẽ phải vượt qua các rào cản trước khi có được chỗ đứng trên thị trường nước ngoài. Ví dụ, tại một cuộc họp báo hồi tháng 8, trưởng bộ phận nghiên cứu ô tô Trung Quốc tại UBS, Paul Gong, tin rằng nhiều nhà sản xuất chỉ có thể chọn Na Uy - quốc gia chỉ có dân số gần 1/5 dân số Thượng Hải - làm điểm khởi đầu khi tiến ra châu Âu. Rõ ràng, đó là thị trường có quy mô hạn chế.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng phương Tây vẫn còn định kiến hoặc phân biệt đối xử với các thương hiệu Trung Quốc. Đó có thể là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, và toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cần phải mất nhiều năm mới tạo dựng được danh tiếng tốt.
Thái An