“Khát” bãi đậu xe trên cao
Anh Nam Nguyễn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây đi làm về, có thể đậu xe bên lề đường trong khu tập thể, tuy nhiên những ngày gần đây mưa to, tình trạng ngập thường xuyên khiến anh rất lo lắng. Xe mới mua nên bình thường đi cũng rón rén. Nghe những năm trước, khi mưa lụt, nhiều xe trong khu ít nhiều cũng dính thủy kích, hư hỏng nhiều nên để cẩn thận, mọi người bảo nhau tìm chỗ gửi xe trên cao để gửi, phòng tránh từ trước. Tuy nhiên, những bãi biết được quanh nhà đều vào tình trạng kín chỗ, anh phải loay hoay sang tận Long Biên, chỗ người quen giới thiệu mới kiếm được 1 slot để gửi xe mấy ngày, trong thời gian mưa to vẫn còn tiếp diễn và chấp nhận đi tạm xe máy. Tuy nhiên, giá gửi xe cũng tăng tới 400.000 đồng một ngày đêm.
Đó cũng là tình trạng chung của nhiều người dân tại Hà Nội và các tỉnh thành đang chịu ảnh hưởng bởi mưa bão trong thời gian gần đây. Các chủ xe thường ưu tiên lựa chọn những bãi đỗ xe cao tầng hoặc nền cao, tại khu vực chưa từng có dấu hiệu ngập sâu. Về phần giá cả, dù biết “chát” nhưng để đảm bảo an toàn cho phương tiện của mình, chủ xe vẫn đành gật đầu.
Theo khảo sát chung, nhiều bãi đỗ xe trên cao đang gần như kín chỗ thời gian này như bãi xe 7 tầng tại tòa Keangnam Landmark 72 (tại đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm), giá gửi xe đang trong khoảng 350.000 đồng/ngày/xe. Giá gửi xe ở bãi của AEON Maill Hà Đông lên tới 450.000 đồng/đêm,…
Tại một số bãi đỗ xe theo mô hình nhà thép trên các phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan,... cũng ghi nhận lượng khách dùng dịch vụ tăng cao. Tại đây phí trông xe không tăng nhiều, khoảng 25.000 đồng/giờ. Các bãi đỗ này được thiết kế theo mô hình nhà thép, dùng công nghệ xếp hình của Hàn Quốc có cơ cấu nâng hạ và dịch chuyển ngang bằng cáp và xích, tấm pallet chuyên dụng. Thời gian lấy xe và gửi xe chỉ diễn ra trong vòng 2 phút cho một xe.
Dịch vụ cứu hộ hoạt động hết công suất
Bão Yagi và hoàn lưu bão đã ảnh hưởng nặng nề tới các phương tiện và tài sản người dân. Theo khảo sát, nhiều trung tâm cứu hộ ô tô tại Hà Nội đang trong tình trạng hoạt động hết công suất.
Trao đổi với Báo Giao thông, anh Bùi Trung, điều phối viên của Trung tâm cứu hộ Hiển Vinh (Hà Nội), ngay buổi sáng ngày 8/9 đã có nhiều người gọi tới trung tâm để đặt lịch cứu hộ xe. Đa phần các trường hợp đều do cây đổ vào xe. "Trong ngày 8/9, trung tâm đã phải điều động tổng cộng hơn 30 chuyến cứu hộ trên toàn thành phố Hà Nội. Các đầu xe cứu hộ đã phải hoạt động hết công suất, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để làm việc", anh Trung cho biết thêm.
Anh Văn Quyết, điều phối viên xe cứu hộ của công ty vận tải Thương Hiền (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, trong ngày hôm qua công ty đã tổ chức tổng cộng hơn 20 chuyến cứu hộ, đa phần các xe thuộc khu vực nội thành bị cây xanh đổ đè vào.
Về mức giá dịch vụ cứu hộ, anh Quyết cho biết, các chuyến cứu hộ tại những quận nội thành Hà Nội sẽ có mức giá niêm yết là 570.000 đồng. Đối với những huyện, thị xã ngoại thành mức giá sẽ dao động từ 700.000 - 1,6 triệu đồng tùy vào số km di chuyển.
Do đa phần các xe đều bị cây đổ đè vào, nên trung tâm cứu hộ có kèm dịch vụ cắt cành, hỗ trợ đưa xe ra khỏi khu vực cây đổ miễn phí.
Không chỉ đỗ xe, cứu hộ, các dịch vụ sửa chữa phương tiện, bảo hiểm cũng trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Theo dự báo, trong những ngày sắp tới, diễn biến hoàn lưu bão sẽ còn tiếp tục ở nhiều nơi, vì vậy người dân, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng sẽ có những phương án phòng chống kịp thời để bảo vệ tài sản, bao gồm những chiếc ô tô giá trị của mình.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)