Cụ thể, trong công văn vừa gửi đi của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Cục yêu cầu các đơn vi thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng.
Chậm nhất ngày 12/9, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và các quy định pháp luật có liên quan.
Được biết, ngay sau khi bão Yagi đổ bộ, các hãng bảo hiểm đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng trong việc phòng, chống và bồi thường thiệt hại do bão gây ra.
Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, Bảo Việt đã huy động 100% đội ngũ chuyên viên giám định hiện trường, giám định tổn thất đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường ở các nơi bị ảnh hưởng.
Các bước giải quyết cơ bản được Bảo Việt hướng dẫn ngay cho khách hàng, gồm: thông báo tổn thất, chuẩn bị tài liệu, phối hợp với giám định viên.
Bảo hiểm PVI cũng đã ghi nhận tổn thất của 210 tài sản khách hàng (trị giá bồi thường ước tính 320 tỷ đồng, chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới) sẽ được triển khai tạm ứng ngay. Doanh nghiệp dự báo số thiệt hại do bão còn tiếp tục tăng lên trong những ngày sắp tới, ảnh hưởng tới các tỉnh miền núi phía bắc do mưa, gió do hoàn lưu bão gây ra.
Bảo hiểm Agribank ngày 8/9 cũng phát đi thông báo cho biết đơn vị hiện đang tiếp nhận, giám định tổn thất và xử lý hồ sơ.
Theo ghi nhận, tổn thất tài sản được bảo hiểm do bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh là lớn nhất, trong khi tổn thất về xe cơ giới nhiều hơn tại Hà Nội, là địa phương có số lượng xe cá nhân đứng đầu cả nước.
Anh Nguyễn (tổng hợp)