Việc giảm lệ phí trước bạ được xem là đòn bẩy để kích cầu ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển. Người tiêu dùng Việt Nam từng 3 lần được hưởng ưu đãi, vào các giai đoạn: nửa cuối 2020, nửa đầu 2022 và nửa cuối 2023, với mức giảm đều là 50%.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ khiến tiêu thụ xe lắp ráp, sản xuất trong nước gia tăng cũng đã kéo theo thu thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt tăng.
Kể từ ngày 1/1/2024, khi mức lệ phí trước bạ trở lại như cũ, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã sớm có đề xuất tiếp tục triển khai chính sách này để kích cầu ngành công nghiệp ô tô trong nước, giữa bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường trong tháng 4 đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng trước.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 4/2024 đạt 82.515 xe giảm 11% so với 2023, trong đó xe ô tô du lịch đạt 59.116 xe giảm 14%; xe thương mại giảm 3% và xe chuyên dụng giảm 28% so với năm 2023. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 17% trong khi xe nhập khẩu giảm 3% so với cùng kì năm ngoái.
Với doanh số "ảm đạm" những tháng đầu năm, các đại lý ô tô đều kỳ vọng, chính sách giảm lệ phí trước bạ nếu được áp dụng sẽ tạo một "cú hích" cho doanh số của họ nửa cuối năm. Doanh nghiệp thì bán được nhiều hàng hơn, còn người mua xe cũng vui mừng vì sẽ tiết kiệm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng chi phí lăn bánh.
Mới đây, trong nội dung Chỉ thị 12/CT-TTg ban hành ngày 21/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu và sớm đề xuất phương án gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào tháng 5/2024.
Đáp ứng yêu cầu kể trên, nhiều khả năng chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ sẽ sớm được công bố và có thể đi vào hiệu lực từ tháng 6 hoặc 7 tới đây, cũng như kéo dài cho đến hết nửa cuối năm 2024.
Sau khi thông tin kể trên được đưa ra, nhiều người tiêu dùng trong nước đang có ý định mua xe đều có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng. Điều này đã tác động trực tiếp tới tình hình kinh doanh tại các đại lý ô tô trong cả nước.
Theo nhân viên tư vấn của một số đại lý Honda phía Bắc, doanh số tháng 5 hiện đang giảm mạnh, trung bìn khoảng 50% đến 70% đối với một số mẫu xe, đặc biệt là các mẫu xe có giá trị cao. Không chỉ vậy, một bộ phận khách hàng dù đã thanh toán hết tiền và nhận bàn giao xe, nhưng vẫn yêu cầu đại lý chưa xuất hóa đơn để đợi chính sách ưu đãi.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với các đại lý Toyota và Hyundai. Để thúc đẩy doanh số bán hàng, nhiều đại lý còn khuyến khích khách hàng đặt cọc trước, sau khi chính sách mới được áp dụng thì mới giao xe.
Mặc dù vậy, người tiêu dùng trong nước vẫn có tâm lý chờ đợi, bởi ở những đợt ưu đãi giảm lệ phí trước bạ trước đó, không chỉ được hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ, khách hàng còn nhận được các chương trình khuyến mãi riêng của hãng và đại lý, khiến giá xe bán ra thậm chí còn thấp hơn cả giá niêm yết.
Nguyên Đỗ