Giả cả, chất lượng nhiều loại xe đạp điện đang là dấu hỏi. Ảnh minh họa. |
Do có nhiều ưu điểm nên xe đạp điện đang trở thành sản phẩm rất hút hàng. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để không ít người lợi dụng thu lời.
Dọc những tuyến đường như Nguyễn Lương Bằng, Phố Huế, Tôn Đức Thắng... ở Hà Nội, điều dễ thấy là các cửa hàng bán xe đạp điện mọc nhan nhản như “nấm sau mưa”… Tại đây, xe điện được rao bán với mức giá trung bình từ 9 – 15 triệu đồng/chiếc tùy thuộc vào thương hiệu khác nhau. Hầu hết các loại xe này được quảng cáo có vận tốc tối đa 40-50km/h, sau nhiều giờ sạc, xe có thể vận hành trong khoảng thời gian 4-5 tiếng hoặc đi được quãng đường tối đa 80km.
Theo khảo sát nhanh của PV báo Người đưa tin thì tại những “thiên đường” xe đạp điện này đang tồn tại những nghịch lý khó hiểu? Giá của các loại xe ở đây như “ma trận”, mỗi nơi một giá. Người mua chỉ cần “sảy chân” là mất ngay vài triệu đồng trong chớp mắt ngay sau quyết định đặt mua hàng. Ngoài những cam kết bằng miệng, bằng những chiêu quảng cáo, nhiều cửa hàng bán xe điện không thể đưa ra bất cứ cam kết uy tín nào cho khách.
Đơn cử, giá niêm yết cùng một mẫu xe tại hai cửa hàng trên cùng tuyến phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã khác nhau “một trời một vực”. Cụ thể, giá loại xe đạp điện Ninja Dibao Eco đều có xuất xứ từ Đài Loan, bảo hành khung xe 3 năm, ắc quy, pin 1 năm nhưng giá tại 2 “xốp” này lại chênh nhau những tận... 3.600.000 đồng. Ở một cửa hàng, giá loại xe này là 13.500.000 đồng trong khi cách đó vài chục số nhà, giá loại xe này chỉ còn 10.900.000 đồng (đã VAT). Tương tự, trên một mẫu xe khác là Birdgestone SPK48, một nơi niêm yết 12.500.000 đồng, còn nơi kia chỉ còn 11.500.000 đồng.
Những con số chênh lệch trên không khỏi khiến người tiêu dùng đặt ra nhiều dấu hỏi về chất lượng của những sản phẩm này. Và đấy cũng mới chỉ là hai trong số hàng chục sản phẩm xe đạp điện của hai “Tập đoàn” bán xe đạp điện thuộc dạng đình đám được “phủ sóng” khá nhiều tại Hà Nội.
Điều đáng lưu ý, phần lớn các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đều khẳng định “như đinh đóng cột” là hàng nhập khẩu nguyên chiếc. Nhưng theo số liệu PV có được từ cục Đăng kiểm Việt Nam lại cho thấy có nhiều dấu hiệu đáng ngờ từ những lời quảng cáo này. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2005 số xe đạp điện nhập khẩu là 201 chiếc, sản xuất lắp ráp là 79.331 chiếc. Năm 2016, con số này là 96 và 83.143. Và năm 2017, con số này là 0 và 9.187.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam thì qua các số liệu trên cho thấy khá rõ số lượng xe gắn máy điện và xe đạp điện đều được lắp ráp trong nước. Sản lượng xe nhập khẩu chiếm tỷ lên rất nhỏ và tới thời điểm hiện tại gần như không còn.
Đỗ Thơm