Nếu thuộc thế hệ 7x trở về sau, chắc chắn bạn đã từng ít nhất một lần ao ước được sở hữu các “bảo bối thần thông” của Doraemon. Bộ truyện được ra đời vào năm 1969 của thế kỷ 20, khi mà các món bảo bối đều được xếp vào loại “giả tưởng” và công nghệ thông minh vẫn còn là một thứ gì đó quá xa lạ trong đời thực.
Song chỉ vài chục năm sau, khi chúng ta vừa mới bước sang thế kỷ 21 được ít lâu, công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc. Và không ít trong số những món đồ công nghệ ngày nay cũng đã “thần kỳ” chẳng kém bảo bối của chú mèo máy đến từ thế kỷ 22.
Có lẽ phải gọi tác giả bộ truyện tranh Doraemon là “ông tổ tiên tri” của ngành công nghệ khi tiên đoán được sự xuất hiện của rất nhiều thiết bị, ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo AI ngay từ hàng chục năm về trước.
Trong mẩu truyện “Nhà báo Nobita”, chiếc máy xuất bản này có thể xem như “con lai” giữa ChatGPT và các ứng dụng AI vẽ tranh từ văn bản như Midjourney, DALL-E... Cụ thể, bảo bối này có thể học hỏi từ những tác phẩm sẵn có, như tác giả truyện tranh hay tiểu thuyết gia,... Máy sẽ chọn lọc, trình bày và tạo hình nhân vật, viết thoại dựa trên nguồn dữ liệu được cung cấp. Điều thú vị là Nobita thoải mái dùng máy mà không mất tiền, cũng giống như việc chúng ta đang sử dụng phiên bản miễn phí của các chatbot AI vậy.
Bên cạnh các công nghệ hỗ trợ sáng tạo nội dung, thiết kế và tương tác, trong Doraemon còn nhiều lần xuất hiện những món gia dụng thần kỳ của thế kỷ 22. Giờ thử nhìn lại, chắc chắn bạn sẽ nhận ra đó chính là tiền thân của smarthome và các thiết bị gia dụng thông minh thời nay.
Ví dụ, trong một tập truyện mà căn nhà của Nobita được “xuyên không” đến thế kỷ 22, có thể thấy trong nhà xuất hiện một robot vừa biết hút bụi, lau nhà và làm sạch sàn bằng hơi nước. Ngày nay, những mẫu robot đa năng như thế này đã khá phổ biến tại Việt Nam. Nhiều dòng robot của các hãng Deebot, Xiaomi, Tuya… còn được trang bị sẵn trợ lý ảo, kết hợp AI với camera để tự động tìm đường và tối ưu hóa quá trình dọn dẹp.
Giấc mơ về những ngôi nhà tự động nay đã thành sự thật với smarthome và nhiều thiết bị gia dụng thông minh tích hợp AI. Người dùng chỉ cần một chiếc smartphone là có thể điều khiển nhiều thiết bị trong hệ sinh thái, từ tủ lạnh, máy giặt sấy, tivi cho đến rèm cửa, hệ thống đèn…
Các thương hiệu lớn như Samsung, LG, Panasonic, Electrolux… liên tục cho ra đời những sản phẩm gia dụng mới tích hợp công nghệ AI. Giờ đây, máy giặt sấy nay có thể tự động cân đo lượng nước giặt xả, điều hòa có thể tự động phân tích điều kiện không gian và thói quen sử dụng để tối ưu các chế độ khác nhau, tủ lạnh tự động nhắc người dùng đi chợ khi sắp hết thực phẩm… Nhờ AI, người dùng được giải phóng triệt để khỏi việc nhà.
Và trong năm 2024, AI được dự báo sẽ thâm nhập vào cuộc sống của chúng ta nhiều hơn nữa, mở ra tiềm năng đưa thêm nhiều bảo bối trong Doreamon bước ra đời thực.
Nếu như năm 2023 đánh dấu những tiến bộ lớn trong lĩnh vực Generative AI (AI tạo sinh) thì theo Financial Times, năm 2024 sẽ là năm quyết định để AI chứng minh rằng công nghệ này không chỉ là một "thí nghiệm công nghệ vui vẻ" mà là một bước ngoặt mới của khoa học kỹ thuật.
Năm nay được dự báo là sẽ chứng kiến trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong nhiều ngành nghề khác để đồng hành, hỗ trợ người lao động tạo ra thành quả tốt hơn trong thời gian ngắn và chi phí tiết kiệm hơn.
Tiêu biểu như trong lĩnh vực y tế, giáo sư Kun Huang, Trường Đại học Dược Indiana, Mỹ cho biết: "Tôi nghĩ phải có tới 90% các bệnh viện hiện nay đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Ví dụ, dùng AI để phân tích những bộ dữ liệu khổng lồ, nhằm đoán biết được biến thể của một căn bệnh nào đó. AI xuất hiện ở tất cả mọi ngõ ngách của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nhờ trí tuệ nhân tạo, các cơ sở y tế hoạt động hiệu quả hơn".
Hiện tại cũng đã xuất hiện một số nghiên cứu ứng dụng AI trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh, chụp X-quang. Ví dụ như Ultromics – được phát triển bởi Bệnh viện John Radcliffe ở Anh, hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về tim chính xác hơn so với bác sĩ. Hay công ty Optellum đang phát triển hệ thống AI cho chẩn đoán ung thư phổi bằng cách phân tích các cụm tế bào được phát hiện qua ảnh chụp. Hoặc có thể kể đến công nghệ chụp X-quang Aidoc giúp phân tích hình ảnh CT và giúp các bác sĩ X-quang phân loại bệnh nhân có khả năng mắc xuất huyết nội sọ cấp tính (ICH).
Không dừng lại ở việc hỗ trợ chẩn đoán, phân tích bệnh, AI còn là yếu tố quan trọng giúp nhiều người khuyết tật cải thiện chất lượng sống với những đôi chân, đôi tay robot được lập trình thông minh, giúp họ tự đi lại như người bình thường. Các nhà khoa học tin rằng trong tương lai, những bộ khung xương ngoài sẽ trở nên thông minh hơn khi được ứng dụng máy ảnh và trí tuệ nhân tạo.
Hiện nay, một số nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm lắp thiết bị camera đeo trên người (wearable camera) để cung cấp dữ liệu thị lực, sau đó dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu nhằm nhận ra cầu thang, cửa ra vào và những đặc điểm khác của môi trường xung quanh, từ đó tính toán cách phản hồi tốt nhất. Qua đó có thể nâng cao khả năng tự hành của khung xương di động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển của người khuyết tật.
Clip thử nghiệm khung xương di động của nhà nghiên cứu Brokoslaw Laschowski (Nguồn:Brokoslaw Laschowski)
Nổi bật như dự án ExoNet, do nhà nghiên cứu Brokoslaw Laschowski (Đại học Waterloo, Canada) thực hiện. Bên cạnh việc cải thiện sự di chuyển qua dữ liệu hình ảnh thị giác, Laschowski và cộng sự muốn khám phá thêm về cách AI có thể truyền lệnh tới khung xương di động để thực hiện các tác vụ như leo cầu thang hoặc tránh chướng ngại vật, dựa trên phân tích của hệ thống về chuyển động hiện tại của người dùng và địa hình sắp tới.
Ngoài lĩnh vực y tế, AI cũng được dự đoán sẽ tạo nên những bước ngoặt mới cho ngành thời trang.
Bằng cách sử dụng công cụ AI để dự báo xu hướng về màu sắc, chất liệu, họa tiết và đường may, nhà thiết kế có thể tạo ra các bản vẽ sản phẩm mới hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Đơn cử như hãng Tommy Hilfiger đã ứng dụng AI vào thiết kế. Thú vị hơn, AI có thể tạo mẫu, phối đồ trực tuyến và bán hàng trực quan. Dựa trên thông tin mà người dùng cung cấp, AI có thể tạo ra những đề xuất cá nhân hóa cho mỗi người, tăng tốc độ quá trình phối đồ ảo. Qua đó giúp tăng tốc quá trình giới thiệu sản phẩm thủ công và giảm chi phí.
Những ứng dụng của AI trong ngành thời trang dễ khiến chúng ta liên tưởng đến “Máy ảnh tạo mốt” trong Doraemon - bảo bối giúp mọi người tìm được những bộ trang phục ưng ý, cho phép họ thử mọi phong cách yêu thích ngay trên người. Giả sử, công nghệ tạo vải ngay lập tức cũng được nâng cấp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, chúng ta có thể mơ về một chiếc “Máy ảnh tạo mốt” ngay trong đời thực.
Và nhắc đến trí tuệ nhân tạo mà không nhắc đến các robot AI thì chắc hẳn là một thiếu sót lớn. Trong những bộ phim giả tưởng nói về thế giới tương lai thường xuất hiện những robot có thể tương tác và thể hiện nhiều cảm xúc như con người. Hoặc, đơn giản là ai trong chúng ta cũng mơ ước có được một người bạn robot đồng hành như Doraemon.
Trong đời thực, robot AI đang dần được hoàn thiện hơn qua từng thế hệ. Chẳng hạn như robot Nadine công ty Kokoro (Nhật Bản) sản xuất có thể nhận ra các khuôn mặt, cử chỉ, cảm xúc và hành vi khác nhau để phân tích và phản hồi cho phù hợp. Hay được biết đến nhiều nhất là Sophia - được coi là robot AI tiên tiến nhất. Sophia đã được tích hợp trí tuệ nhân tạo để nhận dạng khuôn mặt, hiểu được cử chỉ, cảm xúc của con người và tương tác với họ.
Tại sự kiện AI for Good Global Summit diễn ra vào năm ngoái, một số robot AI tham dự cho biết với tốc độ phát triển như hiện nay, việc tích hợp AI vào robot sẽ trở nên dễ dàng. Như vậy, liệu chúng ta có thể chứng kiến Doraemon ra đời ngay trong thế kỷ 21 này hay không?
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tương lai của con người sẽ ngày càng phát triển và tươi sáng hơn. Sức mạnh của các công nghệ vượt bậc như AI có thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề khó khăn, khám phá những điều mới mẻ và nâng cấp cuộc sống lên một tầm cao mới, giống như những gì mà những bảo bối thần kỳ trong Doraemon mang lại cho con người.
Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng bên cạnh những lợi ích to lớn, bảo bối trong Doraemon cũng có thể tiềm ẩn mối nguy nếu không được sử dụng một cách hợp lý. Tương tự, trong đời sống thực, con người cũng cần có ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng những thiết bị thông minh, tránh lạm dụng chúng một cách sai lệch và dẫn đến những hậu quả khó lường.