Con đường như dải lụa giữa trời mây
Dù không thuộc “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam (Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng, Khau Phạ), song Khau Cốc Chà vẫn nổi tiếng là cung đường đèo khiến nhiều người phải ngần ngại khi đi qua. Bởi chỉ dài vỏn vẹn 2,5km nhưng cung đường được chia 15 tầng với 14 khúc “cua tay áo” thách thức mọi tay lái. Do độ dốc cao, dựng đứng với nhiều khúc ngoặt nguy hiểm nên du khách di chuyển bằng xe máy, ô tô cũng phải mất đến 1 giờ để vượt qua. Các tài xế từng lái xe qua đây cho biết nên di chuyển chậm và quan sát kỹ để đảm bảo an toàn.
Theo thông tin trên website của Cục du lịch quốc gia, đèo Khau Cốc Chà nằm trên QL4A, nối xã Xuân Trường với trung tâm huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Hơn 10 năm trước, Khau Cốc Chà chỉ là đường mòn nhỏ hẹp với bề ngang chừng 40cm, dốc đừng bám vào sườn núi. Địa hình hiểm trở, khó đi nên người dân Xuân Trường muốn xuống Bảo Lạc chỉ có phương tiện duy nhất là đi ngựa, nếu không muốn đi bộ.
Từ năm 2009-2011, chính quyền địa phương đã đầu tư, mở rộng cung đường và điều chỉnh một số đoạn hiểm trở để mở rộng mặt đường lên 5m và trải thảm nhựa. Những khúc “cua tay áo” được xẻ sâu hơn vào vách đá để lấy thêm diện tích đường nhằm bảo đảm an toàn, giúp việc đi lại của người dân trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Mặc dù vậy, đây vẫn là cung đường hiểm trở khiến giới phượt thủ truyền tai nhau nhất định phải đến 1 lần trong đời.
Theo tiếng dân tộc Tày, Khau có nghĩa là đèo, Cốc Chà là tên của một bản người Tày sinh sống ở đỉnh đèo, cũng là tên 1 loại cây mọc rất nhiều ở khu vực này. Những tín đồ mê xê dịch từng đi qua đây nhận xét rằng, đứng ở trên đèo bạn khó có thể thấy hết được sự hiểm trở của Khau Cốc Chà bởi độ dốc lớn, khuất tầm nhìn. Tuy nhiên, từ đỉnh đèo có 1 lối mòn đi bộ khoảng 1,5 giờ lên đỉnh núi Pác Thốc ở chếch bên đối diện. Tại đây có một điểm vọng cảnh check-in do người dân dựng lên. Từ đây, du khách có phóng tầm mắt ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, hiểm trở và kỳ vĩ của đèo Khau Cốc Chà và một phần thung lũng Đồng Mu, trung tâm xã Xuân Trường.
Đứng trên đỉnh Pác Thốc nhìn xuống, du khách sẽ thấy đèo Khau Cốc Chà uốn lượn mềm mại như dải lụa. Nhiều người lại ví những tầng đèo giống như những bậc thang dẫn lên cổng trời.
Ngoài khám phá cung đèo Khau Cốc Chà, du khách đến Cao Bằng có thể ghé thăm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của địa phương
Khu di tích Pác Bó
Từ thành phố Cao Bằng, du khách đi thêm 50km về phía huyện Hà Quảng để đến được khu di tích Pác Bó. Sau khi qua cổng tham quan, bạn sẽ thấy cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài Bắc Nam, đối diện là khu tưởng niệm Bác Hồ. Để đến suối Lê Nin và núi Các Mác, du khách cần đi bộ qua thôn Pác Bó.
Tiếp tục men theo dòng nước trong xanh, bạn sẽ bắt gặp hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ từng sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng. Cách đó không xa là các điểm di tích lịch sử như bàn đá nơi Bác từng ngồi làm việc, nhà ông Lý Quốc Sùng.
Vé vào khu di tích Pác Bó là 25.000 đồng/người. Nếu sử dụng để di chuyển trong khu tham quan, bạn cần trả thêm 20.000 đồng/người.
Núi Mắt Thần
Núi Mắt Thần còn được gọi là Phja Piót (có nghĩa "núi Thủng" theo tiếng dân tộc Tày). Ngọn núi sừng sững, uy nghiêm nằm trong lòng của quần thể hồ Thang Hen, thuộc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
Lỗ thủng trên núi to, tròn tựa con mắt. Nơi đây có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp được mệnh danh là "Tuyệt tình cốc" của Cao Bằng.
Đoạn rẽ vào núi hơi khó tìm, du khách nên hỏi trước người dân địa phương để không bị lạc. Trên đường đến núi, bạn sẽ đi ngang qua đèo Mã Phục, một điểm ngắm cảnh đẹp khi di chuyển bằng xe máy.
Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao ẩn mình trong ngọn núi hùng vĩ tại bản Gun, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Đây là hang động đá vôi được hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm.
Theo khảo sát của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, hang động này có tổng chiều dài 2.144 m với 3 cửa chính gồm Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn.
Hang động đá vôi này nổi tiếng với các nhũ đá và măng đá ấn tượng, những dòng sông ngầm và hệ sinh thái độc đáo.
Đinh Anh (Tổng hợp)