Đề xuất biện pháp xử lý với xe kinh doanh vượt tốc độ
Cục Đường bộ vừa trình Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, Cục đề xuất sửa đổi một số quy định xử phạt ô tô vi phạm tốc độ. Theo quy định hiện hành, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi một tháng xe có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy.
Cục Đường bộ cho rằng, quy định này chưa bảo đảm tính kịp thời đối với các trường hợp vi phạm khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Để nâng cao ý thức chấp hành quy định về tốc độ của người lái xe và đơn vị vận tải, Cục đề xuất các đơn vị trên sẽ bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 1 ngày. Theo đó, phương tiện có từ 3 lần vi phạm tốc độ trong ngày trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5km/h) sẽ bị thu hồi phù hiệu.
Đối với xe chở khách theo dạng hợp đồng, Cục Đường bộ đề xuất hai phương án để quản lý. Cụ thể, phương án 1, trong thời gian 1 tháng, mỗi ô tô không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu và điểm cuối hoặc hành trình trùng lặp. Phạm vi trùng lặp điểm đầu, cuối được tính theo địa giới hành chính của một đơn vị hành chính cấp xã; tổng số chuyến xe được tính theo chiều đi hoặc chiều về. Việc xác định điểm đầu, điểm cuối của xe được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thông tin của hợp đồng vận chuyển đã ký kết hoặc bằng các biện pháp khác.
Phương án 2, tương tự phương án 1, chỉ khác trong thời gian một tháng, mỗi ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu, cuối hoặc có hành trình trùng lặp…
Đối với xe chở khách du lịch, Cục Đường bộ đề xuất mỗi chuyến đi chỉ được đón, trả khách tại một địa điểm theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
Ngoài ra, xe chở khách du lịch cũng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc có trên 10 ngày trong một tháng tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác.
CSGT sẽ trực camera giao thông 24/24h từ 15/9
Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA sẽ có hiệu lực từ 15/9 tới đây, lực lượng CSGT được yêu cầu trực hệ thống camera giám sát 24/24h.
Cụ thể, tại Điều 9, Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về kiểm soát thông qua hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì đơn vị CSGT được giao quản lý hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực tại Trung tâm điều hành 24/24 giờ để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Việc phát hiện, xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA.
Điều 19, Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về phát hiện vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì lực lượng CSGT được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cán bộ Cảnh sát giao thông.
Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Tất cả bằng chứng thu thập được từ thiết bị nghiệp vụ sẽ được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công tác hồ sơ.
Khi phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì lực lượng CSGT có quyền dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định.
Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm, Tổ CSGT cho xem tại nơi kiểm soát; nếu chưa có thông tin, hình ảnh, kết quả tại nơi kiểm soát thì hướng dẫn người vi phạm xem khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.
Đề xuất thí điểm vận chuyển khách từ Hải Dương đến sân bay Nội Bài, Cát Bi
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 10088 về việc lấy ý kiến đối với đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương về thí điểm vận chuyển hành khách từ trung tâm đô thị, trung tâm du lịch của tỉnh Hải Dương đến cảng hàng không.
Văn bản nêu rõ: Bộ GTVT nhận được Văn bản số 6746/VPCP-CN ngày 31/8/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thí điểm vận chuyển hành khách từ trung tâm đô thị, trung tâm du lịch của tỉnh Hải Dương đến cảng hàng không. Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến: "Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và các cơ quan có liên quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/9/2023".
Bộ GTVT đề nghị các Bộ: Công an, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Cục: Đường bộ Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cát Bi nghiên cứu, có ý kiến đối với nội dung đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương về thí điểm vận chuyển hành khách từ trung tâm đô thị, trung tâm du lịch của tỉnh Hải Dương đến cảng hàng không.
Ý kiến tham gia góp ý bằng văn bản đề nghị gửi về Bộ GTVT (qua Vụ Vận tải, gửi kèm file địa chỉ Email: phongdq@mt.gov.vn) trước ngày 25/9/2023 để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, nội dung đề xuất liên quan đến việc mở rộng thêm địa phương tham gia thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị và trung tâm du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô tại một số tỉnh, thành phố đang được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GTVT tại Quyết định số 2056/QĐ-BGTVT ngày 21/9/2018, Quyết định số 1793/QĐ-BGTVT ngày 14/10/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Boeing bán 50 máy bay 737 MAX trị giá 10 tỷ USD cho Vietnam Airlines
Ngày 11/9, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines và tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị 10 tỷ USD.
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đánh giá, sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở thúc đẩy quá trình đàm phán, hoàn thiện các thủ tục đầu tư của Vietnam Airlines.
Theo Vietnam Airlines, với nhu cầu dòng máy bay thân hẹp, Hãng cần bổ sung khoảng 60 máy bay đến năm 2030 và khoảng 100 máy bay đến năm 2035, trong đó có phương án xem xét khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX. Đây là dòng máy bay thân hẹp một hạng ghế với cấu hình từ 150 - 230 ghế. Dòng máy bay Boeing 737 MAX đang được 70 hãng hàng không trên thế giới khai thác với hơn 1.150 máy bay.
Hiện tại, đội máy bay của Vietnam Airlines có 100 chiếc, trong đó gồm 65 máy bay thân hẹp, khai thác hơn 97 đường bay tới 21 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế, kết nối các thành phố lớn của thế giới với các điểm du lịch hấp dẫn tại Việt Nam.
Nam Lê (tổng hợp)