TP.HCM phản hồi về kế hoạch xây dựng đường sắt xuyên tâm
Chiều 7/9, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM do UBND Thành phố tổ chức, nhiều nội dung liên quan đến đề xuất làm đường sắt xuyên tâm từ ga Bình Triệu-Sài Gòn-Tân Kiên và kế hoạch làm 5 dự án giao thông BOT trên địa bàn thành phố đã được đại diện các sở, ngành trao đổi.
Đối với kế hoạch xây dựng đường sắt xuyên tâm từ ga Bình Triệu-Sài Gòn-Tân Kiên, Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho biết vừa qua, trong báo cáo đầu kỳ về quy hoạch đường sắt đầu mối khu vực TP.HCM được Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam gửi Cục Đường sắt Việt Nam có đề xuất thực hiện tuyến đường sắt xuyên tâm này.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, đường sắt quốc gia đoạn Bình Triệu-Hòa Hưng được định hướng chuyển thành đường sắt đô thị sau khi hoàn thành Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam (đi theo hướng song hành với Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành về ga Thủ Thiêm, có hướng chuyển từ Đồng Nai về ga An Bình, thành phố Dĩ An, Bình Dương).
Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến 2040, tầm nhìn 2060, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã báo cáo đề xuất với UBND Thành phố chuyển luôn đoạn An Bình (Sóng Thần)-Bình Triệu-Hòa Hưng thành đường sắt đô thị để kết hợp chỉnh trang đô thị, phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).
Đề xuất này cơ bản đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố thống nhất, giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố nghiên cứu để cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo cáo đầu kỳ quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM của Cục Đường sắt Việt Nam vào tháng Tám vừa qua, Cục Đường sắt Việt Nam nêu quan điểm chưa thống nhất đề xuất xây dựng tuyến đường sắt từ ga Bình Triệu-Sài Gòn-Tân Kiên của Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng như đề xuất phương án chạy tàu đường sắt quốc gia dạng xuyên tâm.
Sau cuộc họp, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ về đề xuất này để gửi các địa phương; trong đó có TP.HCM nhằm lấy ý kiến chính thức.
Bộ GTVT phản hồi về đề nghị dùng gầm cầu cạn làm bãi đỗ xe
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT thống nhất việc tiếp tục tạm thời tổ chức bãi giữ xe dưới 4 gầm cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch để phục vụ nhu cầu người dân.
UBND TP Hà Nội cho biết: từ tháng 6/2020 đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép sử dụng tạm thời tại 3 gầm cầu Chương Dương, Mai Dịch, ngã tư Vọng làm bãi giữ xe. Với gầm cầu Vĩnh Tuy, từ tháng 9/2010 UBND TP Hà Nội có quyết định giao Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tiếp nhận, quản lý phần diện tích làm bãi đỗ xe.
Trả lời đề nghị của Hà Nội, Bộ GTVT cho biết theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, bãi đỗ xe không thuộc danh mục công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Do vậy, về nguyên tắc không được tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ bãi đỗ, dừng xe trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Nhu cầu sử dụng gầm cầu cạn để tận dụng quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng là rất lớn, khi quỹ đất để xây dựng bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt còn hạn chế. Vì vậy, trong dự thảo Luật Đường bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4/2023 đã cập nhật, đưa nội dung sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông giữ xe.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông giữ xe không được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ (dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2022) nữa.
Theo Bộ GTVT, hiện Chính phủ đã giao cho các tỉnh bố trí các bãi đỗ xe trong nội đô và các quận. Trong thời gian thực hiện đầu tư các vị trí đỗ xe, bộ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT và các quận có điểm trông giữ xe hiện hữu thực hiện kiểm tra, rà soát và xử lý những vấn đề vướng mắc về phòng chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân.
Từ 10/9, phân luồng giao thông cao tốc Nội Bài - Lào Cai để sửa chữa đột xuất
Ngày 6/9, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai có thông báo về việc thi công sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 2 đối với đoạn tránh hầm đường bộ (Km249+600 - Km249+900 và khu vực lân cận) cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ ngày 10/9/2023.
Cụ thể, đóng nhánh đường bên trái đoạn từ Km248+500 - Km251+700 cao tốc Nội Bài - Lào Cai để thi công; mở dải phân cách giữa tại các vị trí Km248+500 và Km251+700 (điểm quay đầu khẩn cấp hiện hữu), để các phương tiện tham gia giao thông toàn bộ trên phần đường bên phải đoạn Km248+500 - Km251+700 (bao gồm đoạn qua hầm đường bộ) và tổ chức giao thông thành đường hai chiều.
Đối với các loại xe ô tô (trừ xe chở xăng, dầu) đi theo hướng từ Hà Nội đến nút giao IC19 (Km255, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai) di chuyển như sau: Hướng từ Hà Nội đến Km248+500 > hầm đường bộ > đến Km251+700 > nút giao IC19 và ngược lại.
Cấm toàn bộ các xe chở xăng dầu lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đoạn từ nút giao IC18/Km244+155 đến nút giao IC19/Km255+800.
Cụ thể, hướng Hà Nội đi Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành hoặc đi Sa Pa: Các phương tiện đi đến nút giao IC18 (Km244+155) -> Quốc lộ 4E -> Võ Nguyên Giáp -> Phú Thịnh -> Lê Thanh -> Quốc lộ 4D -> nút giao IC19 -> Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành hoặc đi Sa Pa.
Hướng Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành hoặc từ Sa Pa đi Hà Nội: Các phương tiện đi vào Quốc lộ 4D -> Lê Thanh -> Phú Thịnh -> Võ Nguyên Giáp -> Quốc lộ 4E -> đến nút giao IC18 (Km244+155) lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Hà Nội.
Thời gian phân luồng giao thông từ ngày 10/9/2023 đến ngày 30/12/2023 (111 ngày) và từ ngày 4/1/2024 đến ngày 31/1/2024 (27 ngày). Trong các ngày nghỉ lễ, tết dương lịch năm 2024: Từ ngày 29/12/2023 đến hết ngày 02/01/2024 (5 ngày) các phương tiện lưu thông bình thường.
Anh Nguyễn (tổng hợp)