Sửa quy định để ngăn xe chở cuộn thép gây tai nạn
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư mới quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ, trong đó đề xuất sửa một số quy định để ngăn xe chở cuộn thép gây tai nạn.
Theo dự thảo Thông tư, hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng, xếp dàn đều, không xếp lệch về một phía và chằng buộc chắc chắn, chèn, lót đảm bảo không bị xê dịch, rơi vãi không gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, hàng hóa không được cản trở tầm nhìn của lái xe; không làm mất thăng bằng của xe hoặc gây khó khăn cho lái xe khi điều khiển xe; không được che khuất đèn, biển số đăng ký của xe.
Đặc biệt, đối với hàng dạng trụ, hàng hóa được xếp nằm ngang hoặc nằm dọc theo chiều dài xe tùy thuộc vào chiều dài của hàng so với thùng xe. Khi đặt nằm ngang phải đặt vuông góc với chiều dài xe. Khi chiều cao của ống trụ nhỏ hơn đường kính, ống trụ phải được đặt thẳng đứng hoặc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Các loại hàng trụ ống phải được chằng buộc chắc chắn vào thành xe và sử dụng giá kê, giá đỡ, dụng cụ chèn, lót để cố định tránh dịch chuyển hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Trường hợp hàng trụ ống có bề mặt trơn nhẵn, khi xếp chồng lên nhau phải sử dụng vật liệu đệm lót giữa các lớp hàng để chống trơn trượt.
Trước đó, một số địa phương trong cả nước cũng đã ghi nhận tình trạng phương tiện vận chuyển cuộn thép, ống cống, cọc bê tông cốt thép, cọc thép… bị đứt dây chằng hoặc không chèn chắc chắn để rơi xuống đường gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Đề xuất 2 phương án để quản xe hợp đồng trá hình
Bộ GTVT vừa công khai lấy ý kiến người dân dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô. Sửa đổi trọng tâm nhất nằm ở quy định về xe khách hợp đồng và xe du lịch, nhằm tiến tới “dẹp” tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định đang tràn lan tại tất cả các địa phương.
Bộ đề xuất: Xe khách hợp đồng mỗi chuyến đi chỉ được đón/trả khách tại một địa điểm đi/đến theo đúng hợp đồng. Xe hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên, hoặc trong 1 tháng có tổng trên 10 ngày đón/trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác (Khoản 3, Điều 7 Nghị định 10).
Về tỷ lệ số chuyến trong tháng xuất phát tại 1 điểm, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 2 phương án và giảm tần suất chuyến đi tối đa trong 1 tháng tại 1 điểm từ 30% xuống tối đa 10%.
Cụ thể: Phương án 1, trong 1 tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và cuối lặp lại; phạm vi điểm đầu và cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp xã/phường. Việc xác định số chuyến xe trong tháng căn cứ theo thông tin thiết bị giám sát hành trình, hợp đồng vận chuyển, hoặc các biện pháp khác.
Phương án 2, cơ bản các quy định như phương án 1, chỉ khác là sửa điểm đầu/cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp huyện.
Đề xuất miễn, giảm lệ phí cấp biển số ô tô điện
Bộ GTVT cho biết, Chính phủ đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư chuyển đổi sử dụng ô tô điện. Tuy nhiên việc chuyển đổi chưa bắt kịp với xu hướng phát triển xe điện trên thế giới và còn chậm so với một số quốc gia trong khu vực. Để thúc đẩy thu hút đầu tư, sản xuất, tiến tới nắm bắt công nghệ mới, chuyển đổi sử dụng ô tô điện trong nước, tiến tới xuất khẩu, Bộ GTVT đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện tại Việt Nam. Các loại xe ô tô điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển theo các đề xuất gồm: Ô tô điện chạy pin, ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và ô tô năng lượng mặt trời.
Bộ GTVT cũng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ người dùng chuyển đổi sang ô tô điện. Đáng chú ý trong đó có đề xuất tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị; ưu tiên đỗ xe (chỗ, giá), giờ cao điểm. Đồng thời, thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị mà trong đó chỉ các phương tiện không phát thải được hoạt động.
Đặc biệt, người mua ô tô điện sẽ được miễn, giảm lệ phí trước bạ, phí đăng ký biển số, thúc đẩy tiếp cận tín dụng và được trợ giá trực tiếp. Với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện sẽ được ưu đãi vốn vay, trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện. Ngoài ra đề xuất xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công.
Để thu hút xã hội hoá đầu tư kinh doanh trạm sạc cho ô tô điện, Bộ GTVT cũng đề xuất hỗ trợ giá bán điện cho các trạm và trụ sạc; cơ chế kinh doanh điện và dịch vụ sạc điện. Ngoài ra để hạn chế xe động cơ đốt trong, Bộ GTVT cũng đề xuất thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hoá thạch...
Nguyên Đỗ (tổng hợp)