Đề xuất cấp đổi 22 triệu giấy phép lái xe máy
Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, giấy phép lái xe máy vật liệu bìa được cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi sang thẻ nhựa.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết hiện cả nước có khoảng 22 triệu giấy phép lái môtô không thời hạn bằng vật liệu giấy (các loại bằng A1, A2 và A3) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012. Nếu dự thảo luật được thông qua, người sử dụng giấy phép lái xe này sẽ phải làm thủ tục đổi mới sang thẻ nhựa (PET).
Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý người lái và phương tiện (Cục Đường bộ Việt Nam), giấy phép lái xe môtô vật liệu bìa thiếu dữ liệu ngày tháng sinh, số căn cước công dân nên không thể tích hợp hệ thống quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam cũng như dữ liệu quốc gia về dân cư và tài khoản định danh điện tử (VNeID). Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Bộ Công an bổ sung điều khoản này vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.
Về lộ trình cấp đổi, ông Thống cho biết Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình và mức phí cấp đổi. Hiện nay, người đổi giấy phép không cần giấy khám sức khỏe, hồ sơ giấy phép cũ, mức phí là 135.000 đồng.
Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông, giấy phép lái xe đổi sang dạng PET sẽ được cập nhật lên hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam, sau đó tích hợp vào ứng dụng VNeID.
Ngoài ra, tại dự thảo Luật Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất Chính phủ quy định chi tiết các hạng giấy phép lái xe, thời hạn giấy phép. Bộ trưởng Giao thông Vận tải quy định hình thức của giấy phép lái xe và giấy phép lái xe quốc tế; trình tự thủ tục cấp và sử dụng các loại giấy phép này.
Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công cho cán bộ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 72/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Nghị định này quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; thuê dịch vụ xe ô tô và sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, gồm: Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung; xe ô tô chuyên dùng; xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước.
Trường hợp một người giữ nhiều chức danh, chức vụ có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì được áp dụng tiêu chuẩn cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ chế độ, chuyển công tác hoặc vì lý do khác mà không còn giữ chức vụ đó nữa nhưng xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế, thanh lý theo quy định thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị mới, trừ trường hợp xe ô tô được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội.
Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá gồm: Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội.
Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1.600 triệu đồng/xe, gồm: Ủy viên Trung ương Đảng chính thức; Trưởng ban, cơ quan Đảng ở Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Trưởng ban Công tác đại biểu, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Thường vụ Quốc hội).
Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1.550 triệu đồng/xe, gồm: Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội trung ương được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1.500 triệu đồng/xe, gồm: Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các chức danh được sử dụng xe ô tô với giá mua tối đa 1.400 triệu đồng/xe, 1.250 triệu đồng/xe.
TP.HCM chỉ đạo khẩn xử lý nạn 'xe dù, bến cóc'
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Công an thành phố kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về "xe dù, bến cóc", chở quá số người, xe quá tải.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Ban An toàn giao thông thành chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố phối hợp thực hiện tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng container.
Đồng thời, thông báo số điện thoại đường dây nóng (Cổng thông tin 1022) để người dân kịp thời thông tin và phản ánh về tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Công an thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container trên địa bàn TP.HCM theo chỉ đạo của Bộ Công an. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện có liên quan phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến tình trạng “xe dù, bến cóc”, ...
Sở Giao thông Vận chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ theo thẩm quyền, đúng quy định.
Bên cạnh đó, duy trì kế hoạch kiểm tra hàng năm đối với đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.HCM. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tổ chức cho lái xe ký cam kết tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, không sử dụng ma túy, nồng độ cồn, chở quá số người quy định.
UBND TP giao Sở Công Thương phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị kinh doanh xăng dầu không được tổ chức xe khách vào đón, trả khách tại các cửa hàng xăng dầu để đảm bảo an toàn cho hành khách, nhất là tại các mặt bằng kinh doanh dọc Quốc lộ 13 (TP Thủ Đức).
UBND TP.HCM cũng giao TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Thường xuyên theo dõi, xác định các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông trên địa bàn để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời khắc phục.
Anh Nguyễn (tổng hợp)