Dòng xe Chevrolet Colorado. (Ảnh minh họa) |
Tại Việt Nam việc mua xe bán tải (thùng rời) hoặc xe Van (bán tải thùng kín) được cho là hợp lý khá nhiều khách hàng với mục đích chở người, chở hàng vì với chi phí ra biển số kinh tế hơn cả. Nếu như với xe con, xe gia đình thông thường phải đóng từ 10-12% giá xe thì với những chiếc bán tải bạn chỉ đóng vỏn vẹn 2% thế nên chỉ riêng tại thủ đô Hà Nội nhu cầu người dùng mua xe gắn biển D, biển C rồi đến biển H không hề có dấu hiệu giảm nhiệt.
Thuế tăng, doanh số liệu có còn huy hoàng?
Tính đến thời điểm này, dòng bán tải thùng rời (Pick-up) vẫn là một mẫu xe hút khách khi ngày càng được trang bị hiện tại chẳng kém gì một chiếc SUV cùng loại. Những tính năng, công nghệ an toàn liên tục được "dát" lên các đời xe. Không chỉ nội thất tiện nghi mà ngoại thất ngày càng được "chặt, khắc" bắt mắt, hầm hố. Chẳng vậy mà những cái tên như Ford Ranger hay Chevrolet Colorado thay phiên nhau xuất hiện trong bảng xếp hạng tháng những mẫu xe đắt nhất Việt Nam. Một phần không nhỏ khiến các thượng đế xuống tiền để rước về garage của mình đó là nhờ cách tính thuế, phí đối với dòng xe này sát giá nhất.
Đơn cử như dòng xe bán tải thùng rời (pick-up) Ford Ranger được mệnh danh vua doanh số tại Việt Nam ở phiên bản cao cấp nhất là Ranger Wildtrak 3.2AT với giá bán tham khảo khoảng 925 triệu đồng thì chi phí ra biển được tính như sau:
Giá mua xe tạm tính: 925.000.000 VNĐ (đã bao gồm VAT)
Thuế trước bạ 2% (tính trên giá 925 triệu): 18.500.000 VNĐ
Lệ phí cấp biển số: 500.000 VNĐ
Phí đường bộ 12 tháng (180.000vnđ/tháng): 2.160.000 VNĐ
Phí đăng kiểm: 340.000 VNĐ
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: 1.026.000 VNĐ
Ép biển số, cà số khung số máy: 500.000 VNĐ
Chi phí phụ khác: Khoảng 2,5 triệu
Tổng chi phí để lăn bánh xe Ford Ranger Wildtrak 3.2AT: 950.526.000 VNĐ
Ngôi vương của Ford Ranger liệu có bị lung lay? |
Nhưng nếu cách tính thuế trước bạ mới được áp dụng với việc áp 60% so với xe con và nếu tính tại Hà Nội thì mức thuế trước bạ mới sẽ là: 925*60%*12% = 66,6 triệu. Nếu đề xuất của bộ Tài chính được thông qua và áp dụng, chi phí lăn bánh của xe bán tải sẽ đội lên cả vài chục triệu đồng. Đối với các dòng bán tải cỡ lớn nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ, Nhật thì mức chênh này lên tới cả trăm triệu đồng. Lợi thế ưu đãi về thuế nhập khẩu và phí trước bạ thấp của xe bán tải bị ảnh hưởng lớn. Và với lý do nhãn tiền này, người mua có thể chuyển hướng sang các dòng SUV cỡ C giá một tỷ nếu không quá đặt nặng vấn đề chở hàng, kinh doanh. Và thực tế tại Việt Nam, số lượng người mua bán tải vì mục đích kinh doanh không quá nhiều mà thay vào đó là đi dã ngoại, đi du lịch, chơi off-road hay vì kiểu dáng hầm hố cũng như giá ra biển sát với giá mua.
Cơ hội cho các mẫu xe cùng tầm giá
Quả thật là vậy! Một kịch bản rõ ràng về số phận những chiếc bán tải cho dù là thùng kín hay thùng rời nếu được áp cách tính thuế mới đó là việc khách hàng sẽ đổ tiền để rước về những chiếc CUV 5 chỗ hay bản thấp của những mẫu SUV 7 chỗ cùng khung gầm và sức mạnh, cảm giác lái. Nếu điều đó xảy ra thì doanh số ấn tượng bấy lâu nay của những dòng bán tải sẽ không còn vững chắc. Rất có thể sẽ ít bóng dáng những chiếc xe Van thùng kín hay bán tải thùng rời lăn bánh trên phố mà cơ hội lại được đặt trong tầm tay các phân khúc khác như Crossover, SUV hay thậm chí có thể nhìn xuống dòng SUV Compact.
Theo thống kê lượng xe pick-up, gồm cả xe pick-up chở hàng và xe pick-up chở người (nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước) tăng theo từng năm. Riêng số lượng xe pick-up chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ trở xuống (nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước) giai đoạn 2012-2017 như sau: Năm 2012 là 3.305 chiếc, năm 2013 là 6.902 chiếc, năm 2014 là 10.961 chiếc, năm 2015 là 20.132 chiếc, năm 2016 là 28.091 chiếc, năm 2017 là 28.911 chiếc; bình quân khoảng 16.383 chiếc, chiếm khoảng 99,8% số lượng xe pick-up.
Và nếu như cách tính thuế mới được áp dụng thì chu kỳ hưng thịnh của dòng xe bán tải có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí quay đầu đi xuống.
Nguyễn Linh