TTĐK yêu cầu khách hàng ký cam kết khi kiểm tra khí thải
Liên quan đến phản ánh việc TTĐK 29-25D đề nghị khách hàng phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu động cơ bị hư hỏng trước khi tiến hành kiểm định khí thải, tối 18/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Trung tâm này xác nhận vụ việc.
Theo đó, cam kết được Trung tâm đưa ra với các xe sử dụng động cơ dầu diesel. Khi tiến hành kiểm định khí thải các xe này, đăng kiểm viên sẽ đặt thiết bị đo vào miệng ống xả (pô) và tiến hành đạp ga, nâng tốc độ vòng tua để khí thải thoát ra ngoài. Theo quy trình, đăng kiểm viên sẽ phải đạp thốc gia (đạp kịch chân ga trong thời gian nhanh nhất) để động cơ đạt đến ngưỡng hoạt động khắc nghiệt nhất nhằm đo được chất lượng khí thải ở thời điểm này.
Với các ô tô cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên, dầu máy, nước máy không được thay định kỳ hoặc các xe đã “bổ” máy (sửa chữa động cơ) khi thực hiện thao tác trên có thể khiến động cơ hư hỏng, do máy bị yếu không chịu được “sức nặng” của quá trình kiểm tra.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Đăng kiểm VN cho biết đã nắm bắt được sự việc và có sự nhắc nhở, chấn chỉnh đối với Trung tâm đăng kiểm 29-25D bởi trong quy trình kiểm định xe không có việc yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết.
Tuy nhiên cũng thông cảm trước những lo ngại của Trung tâm đăng kiểm bởi thực tế đã có những trường hợp động cơ bị hư hỏng trong quá trình đo khí thải. Đó là những động cơ không đạt yêu cầu.
Theo Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN, thay bằng đề nghị khách hàng ký cam kết, các trung tâm đăng kiểm có thể hỏi chủ xe về việc xe đã bảo dưỡng trước khi đăng kiểm hay chưa, đã từng sửa máy chưa để có những khuyến cáo đến chủ xe kịp thời.
Chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM giảm hơn 4.000 tỷ đồng
Ngày 17/2, UBND TP.HCM có văn bản số 505/UBND-DA gửi Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo về tình hình triển khai các dự án đường cao tốc đầu tư theo phương thức PPP.
Đáng chú ý trong số các dự án đang chuẩn bị triển khai, đường Vành đai 4 đoạn đi qua TP.HCM đang được xem xét điều chỉnh hướng tuyến để giảm tổng mức đầu tư.
Sau khi khảo sát thực tế và nghiên cứu Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đề xuất 3 phương án để lựa chọn phương án tối ưu nhất nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Phương án 1: Thực hiện theo hướng tuyến đã quy hoạch, đi trùng với đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rành, đường Trung Viết, đường Cao Thị Bèo... huyện Củ Chi.
Phương án này thì chiều dài đường Vành đại 4 đoạn đi qua TP.HCM là 17,3 km, diện tích giải phóng mặt bằng là 154,4 ha. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 17.791 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 10.686 tỷ đồng.
Phương án 2: Nắn chỉnh một đoạn 9,7 km về phía nam 160 m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu; đoạn kế tiếp 3,7 km nắn về phía nam 120 m tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu; đoạn còn lại đi trùng tim quy hoạch.
Khi điều chỉnh chiều dài tuyến đường còn 17,29 km, diện tích giải phóng mặt bằng là 154 ha. Tổng mức đầu tư của phương án này giảm còn 13.803 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 6.940 tỷ đồng.
Ưu điểm của phương án này là tránh được đường hiện hữu, tránh được khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Phương án 3: Nắn chỉnh một đoạn dài 14,7 km về phía nam tối đa 1.300 m tránh đường hiện hữu, đoạn 2,5 km còn lại đi trùng hướng tuyến đã quy hoạch.
Đi theo hướng tuyến này chiều dài tuyến đường sẽ còn 16,75 km, diện tích giải phóng mặt bằng chỉ còn 150 ha.
Chi phí đầu tư là 13.631 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 6.799 tỷ đồng (thấp nhất so với các phương án còn lại).
Như vậy, so về chiều dài, chi phí giải phóng mặt bằng thì phương án 3 khi làm sẽ giảm được 4.160 tỷ đồng so với phương án 1.
Theo kế hoạch dự kiến được UBND TP.HCM xây dựng, Dự án đường Vành đai 4 sẽ được quyết định chủ trương đầu tư vào quý II/2023, khởi công dự án vào quý IV/ 2024, đưa vào khai thác, thu phí vào quý I/2028.
3 người đi bộ qua đường bị phạt vì đi không đúng quy định
Chiều 18/2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt Công an TP.Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã phát hiện, xử lý ba người đi bộ sang đường không đúng đi định.
Cụ thể, hồi 9h15 sáng cùng ngày, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện anh N.V.V. đang đi bộ sang đường không đúng quy định tại đường Trần Hưng Đạo giao với Trần Đình Xu (Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Cũng tại địa điểm trên, chị H.T.B.P. có hành vi vi phạm tương tự đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện lập biên bản.
Riêng trong sáng 18/2, lực lượng làm nhiệm vụ tại đây đã phát hiện, xử lý 3 người đi bộ sang đường không đúng quy định.
Theo Nghị định 100/NĐ-CP với hành vi trên, người đi bộ sai quy định sẽ bị lập biên bản xử phạt từ 60.000 – 100.000 đồng.
Theo lực lượng CSGT, việc đi bộ sang đường tùy tiện không đúng nơi quy định không chỉ là nguyên nhân gây cản trở giao thông mà còn khiến các phương tiện khác gây tai nạn giao thông.
Thành Đô (tổng hợp)