Cục CSGT trực tiếp kiểm tra nồng độ cồn ở 30 tỉnh, thành
Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cụ thể, từ ngày 15/2 đến ngày 15/3, Cục Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông 30 tỉnh, TP tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát, nâng cao hiệu quả xử lý các chuyên đề theo kế hoạch, tiếp nhận các trường hợp vi phạm do các tổ công tác của Cục bàn giao để xử lý theo quy định.
Sẽ có 5 tổ công tác làm nhiệm vụ trong kế hoạch trên, mỗi tổ gồm 5 thành viên, được trang bị các thiết bị như máy đo nồng độ cồn, máy đo tốc độ...
Các vi phạm được quyết liệt xử lý là: Vi phạm về nồng độ cồn, xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, xe quá niên hạn, hết hạn đăng kiểm, ô tô khách chở quá số người quy định và các trường hợp lái xe sử dụng phép lái xe giả.
5 tổ này cũng kiểm tra các địa phương về công tác bố trí lực lượng thường trực để đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến, địa bàn và việc sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm giao thông.
Việc trực tiếp kiểm tra xử lý các hành vi được thực hiện tại khu vực có nhiều quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn… có nhiều người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia mà không thấy có lực lượng kiểm soát, xử lý vi phạm của địa phương.
Biên bản xử lý vi phạm được lập và thông báo, bàn giao cho CSGT địa phương xử lý theo quy định
Đề xuất giữ lại hơn 3.750 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 5 dự án giao thông
Theo văn bản, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết qua kết quả thẩm tra của Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT), kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT còn lại hơn 3.750 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết.
Dự kiến, nguồn vốn này bố trí cho các nhiệm vụ, dự án gồm ngân sách Nhà nước hỗ trợ như dự án BOT hầm Đèo Cả dự kiến bố trí 1.180 tỷ đồng, vốn đối ứng cho 3 dự án ODA mới (mở rộng một số cầu, hầm trên QL1A, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ: QL53, QL62 và QL91B tại Đồng bằng sông Cửu Long) và dự án đấu nối ra giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc với tổng số dự kiến bố trí hơn 2.570 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, đối với phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án BOT hầm Đèo Cả, việc bố trí vốn là cần thiết và phù hợp quy định. Song, hiện nay chưa được Bộ KH&ĐT thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giao kế hoạch trung hạn.
Về 3 dự án ODA, Bộ GTVT đã lập đề xuất dự án nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất do thủ tục sử dụng vốn ODA phức tạp, cần nhiều thời gian để xử lý từ các bộ, ngành liên quan.
Riêng dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc là dự án có ý nghĩa hết sức cấp thiết và quan trọng để tổ chức vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt nhưng đến nay vẫn khó khăn, chưa thỏa thuận được vị trí đấu nối với phía Trung Quốc.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo các cấp có thẩm quyền không điều chỉnh giảm nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT với số vốn hơn 3.750 tỷ đồng để bảo đảm khả năng cân đối vốn cho các dự án khi quyết định chủ trương đầu tư.
Dịch vụ đưa người say về nhà đắt khách
Theo ghi nhận tại Việt Nam, hiện có một số đơn vị kinh doanh dịch vụ lái xe hộ nổi bật như GOCHEAP, FAST GO, Bạn nhậu tôi lái… Riêng GOCHEAP quy định mức giá tối thiểu một chuyến đi 499 nghìn đồng/3 giờ, từ giờ thứ 4 phí 100 nghìn đồng/giờ; hai đơn vị còn lại tính phí tùy theo tuyến đường di chuyển. Thông qua app, khách hàng chỉ cần chọn điểm đón, điểm đến, loại xe, thời gian đón sẽ hiện số tiền khách hàng phải thanh toán.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT nhìn nhận, dịch vụ lái xe hộ này này rất thiết thực, nên khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, người dân cũng nên chủ động tìm hiểu, chọn sẵn cho mình một đơn vị cung cấp dịch vụ tin cậy để sử dụng khi cần, tránh gặp những rủi ro về tài sản, tính mạng.
“Việc người dân tìm kiếm lái xe hộ sau mỗi cuộc nhậu đã thể hiện ý thức chấp hành Luật GTĐB và bảo đảm an toàn cho bản thân, góp phần quan trọng giúp đảm bảo ATGT và kéo giảm TNGT.
Dịch vụ này có đặc thù rất riêng, vì vậy, phải có độ tin cậy cao, đảm bảo chất lượng, lái xe phải đảm bảo đủ điều kiện về bằng lái, sức khỏe, nhân thân. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần công khai những thông tin trên đến khách hàng và đảm bảo trách nhiệm nếu có sự cố phát sinh”, Thượng tá Công nói.
Theo Nghị định 100/2019, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước GPLX đến 24 tháng, còn với người điều khiển xe máy, mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX đến 2 năm.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)