Năm 2020 thị trường xe máy tại Việt Nam tiếp tục suy giảm mạnh. |
Theo số liệu thống kê từ VAMM, trong năm 2020, thị trường xe máy Việt Nam đã có sự giảm sút mạnh với -16,66% so với năm 2019. Tổng cộng có tới hơn 2,7 triệu chiếc xe máy đã được bán ra. Riêng trong tháng 12, doanh số của VAMM đạt 784.878 xe. Trong năm 2020, trung bình mỗi ngày có thêm khoảng 7.413 xe máy mới lăn bánh.
Đối chiếu những con số kể trên với năm 2019 và 2018 cho thấy một thực trạng đáng quan ngại của thị trường khi doanh số bán xe máy liên tục suy giảm và giảm mạnh. Nếu như năm 2018, con số bán ra là 3,3 triệu xe thì sang năm 2019, con số này giảm xuống 3,2 triệu xe và đến 2020 giảm “sốc” xuống chỉ còn 2,7 triệu xe.
Cũng theo VAMM, quý IV/2020 là thời điểm cận Tết, nhu cầu về xe máy tăng cao, doanh số bán của 5 doanh nghiệp thành viên đạt 784.878 chiếc, tăng khoảng 100.000 xe so với quý III, song vẫn giảm hơn 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự suy giảm được chứng kiến với tất cả các thành viên của VAMM bao gồm Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki, tuy nhiên, mức suy giảm và đà giảm lại không đồng đều qua các năm.
Năm 2020, trong tổng số hơn 2,7 triệu xe bán ra thì Honda Việt Nam đạt doanh số bán cao nhất với hơn 2,1 triệu xe mới lăn bánh, chiếm tới 79% thị phần. Tiếp đến là Yamaha Việt Nam với doanh số bán ra ước đạt được 400.000 xe.
Trước đó, năm 2019, trong khi đối thủ Honda vẫn bán ra được 2,5 triệu xe, chiếm hơn 80% thị phần và đạt mức tăng trưởng 0,2% thì Yamaha Việt Nam chỉ đạt doanh số tổng cộng hơn 800.000 xe, giảm gần 20% so với 2018. Các đối thủ còn lại ghi nhận sự tăng nhẹ hoặc giảm không đáng kể.
Doanh số sụt giảm mạnh theo từng năm, trong khi đó các đối thủ dù không đạt mức tăng trưởng như mong muốn nhưng vẫn có tăng, có giảm, rõ ràng. Điều này khiến nhiều người phải quan ngại cho sự phát triển đối với các dòng xe máy của hãng tại thị trường Việt Nam.
Yamaha Exciter 155 VVA - "Tiểu R1" được Yamaha Việt Nam ra mắt vào những ngày cuối cùng năm 2020. |
Đứng trước những con số đáng quan ngại kể trên, nhiều người lập tức liên tưởng tới việc hãng “vội vàng” cho ra mắt phiên bản mới nhất của “vua côn tay” Yamaha Exciter 155 VVA vào những ngày cuối cùng năm 2020 và dồn dập triển khai các chương trình marketing thương hiệu cho dòng xe này. Trước đó, nhiều thông tin cho thấy, hãng sẽ không cho ra mắt thêm mẫu xe mới nào cho đến 2021. Liệu rằng, mẫu xe được mệnh danh là “Tiểu R1” của hãng xe Nhật Bản được tung ra sớm có nhằm mục đích thay đổi tình hình kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn thời gian qua?
Trước đó, để kích cầu thị trường, năm 2020, Yamaha cùng cũng triển khai khuyến mại mạnh cho các dòng xe tay ga ăn khách của mình như Grande, Janus, Freego. Nhiều mẫu xe máy cũng được các đại lý giảm giá từ 1-5 triệu đồng để kích cầu, nhưng không vì thế mà kéo được doanh số tăng lên.
Thành tích bán của Yamaha hai năm gần đây gợi lại thời kỳ khủng hoảng chạm đáy của hãng xe giai đoạn 2012-2014. Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp thị trường xe máy sụt giảm không kiểm soát, Yamaha chịu chung số phận, chỉ bán được 633.622 chiếc và chiếm 23,4% thị phần, đây cũng là năm doanh số bán hãng giảm đi 13,3% so với năm trước đó.
Dự báo từ giới chuyên môn cho thấy, năm 2021 nhu cầu xe máy có thể tăng so với 2020 nhưng mức tăng không quá 5%. Còn về lâu dài, xu hướng vẫn giảm. Dự báo đến năm 2024 quy mô thị trường xe máy Việt Nam có thể lùi về mức 2,5 triệu xe/năm.
Trong đà suy giảm đó, liệu Yamaha Việt Nam sẽ có động thái gì để tăng sức cạnh tranh của mình, đẩy mạnh kinh doanh và khẳng định được chất riêng “new me, discover” và chinh phục các “thượng đế” trong nước?
Thành Đô (tổng hợp)