Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn nộp thuế tới 4 tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Nghị định nêu rõ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11.
Nghị định cũng quy định cụ thể đối với một số trường hợp như: Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế TTĐB phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.
Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế TTĐB theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa phải nộp số thuế TTĐB phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế TTĐB đã kê khai trong thời gian được gia hạn.
Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế TTĐB riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế TTĐB.
Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế TTĐB.
Nhiều chuyến bay nội địa chưa tuân thủ Slot tại Tân Sơn Nhất
Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) vừa có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam –CTCP; các Công ty CPHK: Vietjet Air, Pacific Airlines, Tre Việt và Lữ hành Việt Nam về nâng cao tỷ lệ sử dụng đúng Slot tại Cảng hàng không quốc tế (Cảng HKQT) Tân Sơn Nhất.
Văn bản nêu rõ, bắt đầu dịp cao điểm Hè 2023 (từ 1/6/2023) đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã tăng lượng khai thác trên các đường bay nội địa, đặc biệt là tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất tăng khoảng 10-15% lượng khai thác so với giai đoạn trước đó với khoảng 750 lần chuyến cất/hạ cánh hàng ngày (chủ yếu là ban ngày).
Tuy nhiên, qua công tác giám sát thực hiện Slot của các hãng hàng không tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn vừa qua, Cục HKVN nhận thấy nhiều chuyến bay nội địa của các hãng Hàng không Việt Nam chưa tuân thủ Slot xác nhận, tỷ lệ sử dụng đúng Slot của một số hãng còn thấp (dưới 80%). Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Do đó, để giảm thiểu, hạn chế việc ùn tắc cục bộ, đảm bảo điều hòa trong công tác phục vụ các chuyến bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất trong giai đoạn cao điểm Hè 2023, Cục HKVN yêu cầu các hãng Hàng không Việt Nam nâng cao chất lượng trong công tác lập kế hoạch và khai thác các chuyến bay hàng ngày, đảm bảo tuân thủ nghiêm Slot được xác nhận.
Đồng thời, Cục HKVN sẽ tiếp tục giám sát việc tuân thủ Slot của các hãng hàng không và có những biện pháp phù hợp đối các hãng hàng không có tỷ lệ sử dụng đúng Slot thấp.
Phát hiện xe khách chạy quá tốc độ 450 lần trong một tháng
Ngày 22/6, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, vừa ban hành quyết định thu hồi phù hiệu của các ô tô kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ.
Theo đó, thông qua kết quả kết xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe ô tô, cung cấp từ hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT TP Đà Nẵng phát hiện 55 phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố vi phạm tốc độ.
Cụ thể, có 55 phương tiện thuộc 36 đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên/1.000km xe chạy trong tháng 5/2023. Trong đó có xe vi phạm tốc độ hàng trăm lần.
Cụ thể, xe tuyến cố định BKS 43B - 038.89 của HTX Dịch vụ vận tải Hải Vân vi phạm tốc độ 450 lần, xe container 43H-006.13 của Công ty TNHH Đức Thịnh vi phạm tốc độ 221 lần, xe tuyến cố định BKS 43B-054.96 của Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Hải Vân vi phạm tốc độ 191 lần...
Theo Sở GTVT TP Đà Nẵng, phù hiệu đã cấp cho các xe này không còn hiệu lực kể từ 15/6.
Các đơn vị kinh doanh vận tải có quản lý 55 xe vi phạm tốc độ phải nộp lại phù hiệu của phương tiện về Sở GTVT TP Đà Nẵng, không được sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải trong thời gian bị thu hồi phù hiệu.
Trường hợp phát hiện các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn sử dụng phù hiệu bị thu hồi để kinh doanh vận tải, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Anh Nguyễn (tổng hợp)