Hà Nội có 15 TTĐK mở cửa phục vụ trong tuần
Tính đến ngày 13/3, Hà Nội có 10 TTĐK đang hoạt động. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dự kiến trong tuần này, sẽ mở thêm khoảng 5 TTĐK, nâng số trung tâm hoạt động lên khoảng 15 tại Hà Nội.
Được biết, ngoài trung tâm 2907D mới chính thức đi vào hoạt động trở lại ngày hôm nay, cơ quan công an đã bàn giao cơ sở vật chất, hệ thống phần mềm dữ liệu kiểm định của trung tâm đăng kiểm 2902V (xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội).
Danh sách 10 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động tính đến ngày hôm nay (13/3):
1. 2901V - Km 15+200 quốc lộ 1A, thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì
2. 2903S - Số 3 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm
3. 2904V - Đường Võ Văn Kiệt, Quang Minh, huyện Mê Linh
4. 2905V - Số 49 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên
5. 2906V - Đường 70, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì
6. 2907D - Km1 quốc lộ 3, Du Nội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh
7. 2908D - Cụm công nghiệp Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức
8. 2914D - Cụm công nghiệp Thanh Oai, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai
9. 2916D - Đường Vũ Xuân Thiều, phường Sài Đồng, quận Long Biên
10. 2923D - Quốc lộ 6, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.
Chi 8.300 tỷ đồng xây cầu Thượng Cát qua sông Hồng
HĐND TP.Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của thành phố Hà Nội.
HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư của 21 dự án (gồm hai nhóm A; 13 nhóm B; 6 nhóm C) với tổng mức đầu tư dự kiến là 14.604,503 tỷ đồng. Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của 4 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.274,177 tỷ đồng.
Theo tờ trình của UBND thành phố thì cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu là một trong hai dự án nhóm A nêu trên.
Tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 5,2 km. Trong đó, tổng chiều dài của cầu khoảng 4 km; chiều dài cầu chính là 820 m, bề rộng cầu khoảng 33 m, thiết kế 8 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 8.298,117 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố. Địa điểm xây dựng dự án là quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027.
Thượng Cát là 1 trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2015-2030.
9 cầu còn lại gồm Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Quyết tâm xây dựng 2 tuyến cao tốc chiến lược
Sáng 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan về phương án dự kiến đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là 2 tuyến đường chiến lược, có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, tạo động lực, không gian và mở ra sự phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và các địa phương, nhất là các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Bình Phước có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng việc phát triển còn nhiều khó khăn, hạn chế do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đặc biệt thiếu đường cao tốc kết nối.
Thủ tướng ghi nhận quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư, đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị triển khai 2 tuyến đường huyết mạch này.
Về phương thức đầu tư, Thủ tướng đề nghị đầu tư theo hình thức đối tác công tư, kết hợp nguồn vốn Trung ương, địa phương và doanh nghiệp theo Luật Hợp tác công tư trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".
Thủ tướng yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư phải tích cực, kỹ lưỡng, chất lượng hơn nữa. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các mỏ nguyên vật liệu để giao cho chủ đầu tư, nhà thầu khi triển khai dự án theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Các nhà tư vấn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát vào tình hình thực tiễn, tất cả vì cái chung.
Thành Đô (tổng hợp)