Hà Nội chi hơn 2.300 tỷ thi công 35 dự án giao thông
Tin từ Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, năm 2023, Ban được giao kế hoạch vốn tổng cộng 2.301 đồng cho 35 dự án.
Theo đó, nguồn vốn năm 2023 này sẽ ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025; dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 nhưng đang triển khai trong giai đoạn 2021-2025 và các dự án lớn, quan trọng đang tập trung triển khai.
Cụ thể, các dự án trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 gồm cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp - Vân Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.
7 dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 nhưng đang triển khai trong giai đoạn 2021-2025 và các dự án lớn, quan trọng đang tập trung triển khai, gồm: hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên - giai đoạn 2; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội; cầu qua sông Nhuệ trên tuyến đường Dịch Vọng - Phú Mỹ - Cầu Diễn và đường nối ra Quốc lộ 32; đường tỉnh 421B đoạn cầu vượt Sài Sơn qua khu hành chính huyện Quốc Oai; đường phát triển phía Tây Nam huyện Quốc Oai).
25/35 dự án còn lại là các dự án nhỏ (dự án nhóm C); các dự án vướng mắc về mặt bằng bố trí vốn để tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công dự án; các dự án đã hoàn thành bố trí vốn phục vụ công tác thanh, quyết toán.
Đề nghị Bộ Nội vụ cho tuyển gấp cán bộ đăng kiểm
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị cho phép Cục Đăng kiểm ký hợp đồng bổ sung nhân sự tạm thời thiếu hụt tại các trung tâm đăng kiểm, nhằm gỡ khó cho tình trạng thiếu nhân sự nghiêm trọng. Việc ký hợp đồng được thực hiện tới khi Cục Đăng kiểm tuyển dụng đủ viên chức theo quy định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam là tổ chức thuộc Bộ GTVT, gồm có 13 tổ chức tham mưu, giúp việc Cục trưởng, 37 đơn vị trực thuộc (20 Chi cục Đăng kiểm, 13 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới và 4 đơn vị sự nghiệp).
Từ cuối năm 2022 tới nay, nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên tại 7 trung tâm và 2 Chi cục Đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm đã bị khởi tố, tạm giam liên quan các vi phạm trong thực thi công vụ. Việc thiếu hụt nghiêm trọng người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm khiến đơn vị này phải bổ sung gấp nhân lực, đặc biệt đăng kiểm viên để đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp, tránh ùn tắc, quá tải các trung tâm đăng kiểm.
Theo quy định về tuyển dụng viên chức (Nghị định 115/2020), nếu tuyển dụng nhân sự vào làm tại Cục Đăng kiểm sẽ mất ít nhất 60 ngày trong khi nhu cầu nhân lực cần gấp. Tuy nhiên trong tình hình hiện tại thì nhu cầu bổ sung nhân sự để các đơn vị duy trì hoạt động là rất cấp bách.
Cục Đăng kiểm đã có công văn đề nghị cho Cục được ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm tại các đơn vị trực thuộc Cục theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
Hà Nội sẽ tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông
Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn thành phố; phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".
Thông qua kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, đô thị; nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng.
Đồng thời, đánh giá đúng thực trạng tình hình, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố; phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kịp thời kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan hữu quan khắc phục nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan trong việc quy hoạch cấp phép, quản lý, xử lý vi phạm; nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan chức năng, thường xuyên duy trì, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng, tránh tình trạng ''đánh trống bỏ dùi".
Nguyên Đỗ (tổng hợp)