Trong làng công nghệ những năm gần đây nổi lên hai cái tên Lê Diệp Kiều Trang và Nguyễn Tuấn Anh. Trong khi bà Kiều Trang được nhắc đến nhiều với tư cách “người Facebook” thì ông Nguyễn Tuấn Anh gắn liền tên tuổi với Grab. Tuy nhiên, hai “ngôi sao công nghệ” này có điểm khác nhau cơ bản. Trong khi bà Trang tự nhận mình là “làm thuê” thì ông Tuấn Anh được tôn vinh là “khởi nghiệp”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS). Ông nổi danh khi từng là Giám đốc sản phẩm của Yahoo! tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ông tham gia một số dự án khởi nghiệp công nghệ như Geeky, Metis hay Trường Xưa.
Ông Nguyễn Tuấn Anh- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) |
Tại Yahoo!, Nguyễn Tuấn Anh chưa thực sự được cộng đồng mạng biết tới nhiều nhưng ông Tuấn Anh ít nhiều ghi được dấu ấn với Trường Xưa. Năm 2011, ông được nhắc đến nhiều chiến lược marketing rầm rộ cho truongxua.vn. Đã có thời điểm, mạng xã hội này đã thu hút 2 triệu thành viên tham gia. Trong tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 triệu USD cho dự án này, chi phí dành cho quảng cáo được dự đoán xấp xỉ 200.000 USD. Đáng tiếc, dù có chiến lược marketing, Trường Xưa lại không thành công. Sau đó, Nguyễn Tuấn Anh tham gia nhiều dự án khác, nhưng cho tới nay chưa dự án nào được biết đến như Grab.
Năm 2014, Grab mới chập chững vào thị trường Việt Nam, Nguyễn Tuấn Anh – trước đó từng làm Giám đốc sản phẩm của Yahoo! tại Đông Nam Á, đã cùng team của mình đồng ý làm đối tác của Grab, cùng nhau đặt những viên gạch đầu tiên cho Grab tại Việt Nam. Sau khi Grab Việt Nam đã phát triển ổn định, Nguyễn Tuấn Anh mới thôi giữ chức CEO để chuyển sang vị trí Tổng Giám đốc Grab Financial Việt Nam và hiện ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam).
Tới năm 2015, ông là một trong những doanh nhân thuộc Top 100 doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc do Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam và CLB Sao Đỏ bình chọn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh được đánh giá là một “khởi nghiệp”. Các “khởi nghiệp” trước đó của ông Tuấn Anh đều không thành công. Còn với Grab, cho đến thời điểm hiện tại, chưa thể đánh giá Grab thành công nếu xét theo tiêu chí lợi nhuận nhưng sẽ là thành công rực rỡ nếu xét theo tiêu chí thị phần.
Nhưng ở Grab, không ít người đặt câu hỏi, ông Tuấn Anh có thực sự là “khởi nghiệp” tại Grab hay chỉ đơn thuần là “làm thuê” như bà Lê Diệp Kiều Trang “làm thuê” cho Facebook?
Hiện tại, ông Nguyễn Tuấn Anh là Chủ tịch Hội đồng thành viên Grab Việt Nam. Trong Hội đồng thành viên, bên cạnh ông Tuấn Anh, chỉ có thêm 1 thành viên duy nhất là ông Anthony Tan Ping Yeow. Người giữ chức vụ Giám đốc Grab là ông Lim Yen Hock.
Các công bố chính thức của Grab không thể hiện rõ vai trò thực sự của ông Nguyễn Tuấn Anh nên ông được hiểu là người “khai sinh” Grab Việt Nam hoặc hiểu đơn giản với Grab, ông Tuấn Anh là “khởi nghiệp”. Thế nhưng, nếu xem xét các khoản mục phụ trong báo cáo tài chính năm 2018 của Grab, có thể thấy, tại Grab, ông Tuấn Anh chỉ là “Nhà đầu tư”.
Cụ thể, ở phần “Phải thu về cho vay ngắn hạn”, Grab có viết: “Phải thu về cho vay ngắn hạn thể hiện khoản vay cho ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư, với số tiền là 10,2 tỉ đồng”.
Vay để góp vốn rồi dùng vốn làm tài sản đảm bảo để đi vay
Khi Grab Việt Nam thành lập, ông Tuấn Anh góp 10,2 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 51%. Grab Inc. là cổ đông nhỏ khi góp 9,8 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 49% vốn Grab Việt Nam. Cả 2 cổ đông này đều được Grab Việt Nam xác định là “nhà đầu tư”.
Những con số này sẽ trở nên rất bình thường nếu không xuất hiện một khoản “Phải thu về cho vay ngắn hạn” trong báo cáo tài chính năm 2018. Cụ thể, “Phải thu về cho vay ngắn hạn” thể hiện khoản cho ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư, với số tiền 10,2 tỉ đồng và Grab Inc. với số tiền là 9,8 tỉ đồng. Các khoản phải thu này không có đảm bảo không hưởng lãi và có thể thu hồi khi có yêu cầu. Ngoài ra, ông Nguyễn Tuấn Anh còn vay thêm số tiền 6,8 tỉ đồng nữa.
Việc ông Tuấn Anh chỉ là “nhà đầu tư”, không phải “chủ” hay “nhà sáng lập” hay “khởi nghiệp” tại Grab Việt Nam còn thể hiện ở chỗ Grab Inc. đổ rất nhiều tiền cho Grab Việt Nam. Số tiền mà Grab Inc. rót vào Grab Việt Nam cao hơn rất nhiều vốn góp chủ sở hữu của Grab Việt Nam.
Tại thời điểm 31.12.2018, vốn góp chủ sở hữu của Grab Việt Nam chỉ là 20 tỉ đồng. Thế nhưng nợ phải trả lên đến 3.537 tỉ đồng, cao gấp… gần 177 lần vốn góp chủ sở hữu. Đa số nợ phải trả đến từ những khoản vay Grab Inc. và GrabTaxi Holdings Pte Ltd dành cho Grab Việt Nam.
Trong đó, vay ngắn hạn, số tiền mà GrabTaxi Holdings Pte Ltd. và Grab Inc. cho Grab Việt Nam vay lần lượt là 860 tỉ đồng và 465 tỉ đồng. Với vay dài hạn, hai công ty này lần lượt cho Grab Việt Nam vay 512 tỉ đồng và 869 tỉ đồng. Giá trị các khoản vay này tăng mạnh so với hồi đầu
Trong đó, vay ngắn hạn, số tiền mà GrabTaxi Holdings Pte Ltd. và Grab Inc. cho Grab Việt Nam vay lần lượt là 860 tỉ đồng và 465 tỉ đồng. Với vay dài hạn, hai công ty này lần lượt cho Grab Việt Nam vay 512 tỉ đồng và 869 tỉ đồng. Giá trị các khoản vay này tăng mạnh so với hồi đầu năm 2019. USD là đồng tiền dùng để giao dịch cho các khoản vay. Phần lớn các khoản vay đều được hưởng lãi suất 0%.
Điều đáng nói, tài sản đảm bảo là vốn góp của ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư và tài sản của công ty trong hiện tại và tương lai.
Các khoản vay của Grab Inc. cả dài hạn và ngắn hạn đều cùng được đảm bảo bởi tài sản đảm bảo là vốn góp của ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư và tài sản của công ty trong hiện tại và tương lai.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (phải) thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm startup tại các diễn đàn. |
Với cách truyền thông, ông Nguyễn Tuấn Anh “khởi nghiệp” cùng Grab Việt Nam, ông Tuấn Anh được trao giải Khởi nghiệp xuất sắc không lâu sau khi Grab Việt Nam gây được tiếng vang, ông Tuấn Anh được hiểu là “chủ” Grab Việt Nam.
Trong các báo cáo tài chính của mình, Grab Việt Nam cũng không khẳng định ai là “chủ” đích thực. Cả 2 cổ đông Grab Inc. và ông Nguyễn Tuấn Anh đều được xác định là “nhà đầu tư”.
Thế nhưng, cũng có lúc Grab Việt Nam lại nhận Grab Inc. là “mẹ”. Trong mục “Phải trả khác” của báo cáo tài chính năm 2018, Grab Việt Nam xác định “Phải trả cho Grab Inc. – công ty mẹ” số tiền 11,8 tỉ đồng.
Như vậy, có thể hiểu Grab Inc. là nhà đầu tư hay là công ty mẹ của Grab Việt Nam? Không ít người có lý do để tin rằng Grab Inc. mới chính là “chủ” của Grab Việt Nam. Nếu Grab Inc. là chủ đích thực, công ty này mới sẵn sàng cùng với công ty liên quan khác cho Grab Việt Nam vay số tiền hàng ngàn tỉ đồng, cao vượt trội so với phần vốn góp chỉ 9,8 tỉ đồng của Grab Inc.
Những số liệu tài chính “khó hiểu” khiến không ít người hoài nghi vào quyền lực thực sự của ông Tuấn Anh ở Grab Việt Nam.
Nam Phong