Do ảnh hưởng của bão số 2, trận mưa sáng 17/7 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu trong nước. Một số nhà dân bị nước tràn vào, hàng loạt phương tiện chết máy.
Lau bugi xe kiếm bộn tiền
Theo khảo sát của PV báo điện tử VTC News, nhiều tuyến phố như Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa), Đại Mỗ, Tây Mỗ (Nam Từ Liêm),... chìm sâu trong nước. Nhiều xe đang di chuyển qua những vùng lụt thì lăn ra chết máy.
Do ảnh hưởng của bão số 2, trận mưa sáng 17/7 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu trong nước. Một số nhà dân bị nước tràn vào, hàng loạt phương tiện chết máy. (Ảnh: Việt Vũ) |
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chết máy xe, song, đa phần là do ảnh hưởng của bugi khiến xe không thể nổ máy.
Rất nhiều cửa hàng sửa xe máy tranh thủ ngày mưa lụt để kiếm thêm thu nhập bằng cách lau bugi. Mỗi một xe thu phí từ 20.000 – 30.000 đồng/xe, thời gian thay – sửa trong vòng 10 – 15 phút. Trong trường hợp phải thay bugi xe, chi phí cho 1 lần sửa từ 50.000 – 70.000 đồng/xe.
Vào những giờ cao điểm, tình trạng xe chết máy giữa đường càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều chủ phương tiện phải chờ đợi rất lâu mới tới lượt. Một chủ xe ở đường Đại Mỗ cho biết, do tuyến đường này thường xuyên trong tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn nên tình trạng xe hỏng bugi không phải là hiếm.
“Riêng sáng hôm nay phải có đến cả trăm lượt xe chết máy cần phải thay thế bugi. Dù sao bugi cũng là bộ phận dễ sửa, dễ thay thế với chi phí khá rẻ”. Chủ cửa hàng này nhẩm tính, chỉ riêng buổi sáng đã kiếm được vài triệu đồng do lau bugi.
Trong trường hợp chủ phương tiện chết máy giữa đường và không thể “cầu cứu” các tiệm sửa xe hoặc nếu muốn sửa xe phải đi một quãng đường xa thì đã có ngay dịch vụ lau bugi di động. (Ảnh: Việt Vũ) |
Ngoài việc sửa bugi ở các tiệm sửa xe, nhiều nơi đã “nổ” ra dịch vụ lau bugi xe di động. Trong trường hợp chủ phương tiện chết máy giữa đường và không thể “cầu cứu” các tiệm sửa xe hoặc nếu muốn sửa xe phải đi một quãng đường xa thì đã có ngay dịch vụ lau bugi di động.
Dấu hiệu hỏng bugi và cách khác phục xe “chết” máy
Bugi là chi tiết cuối cùng của hệ thống đánh lửa và có nhiệm vụ làm phát sinh tia lửa điện giữa hai điện cực (cực trung tâm và cực bên nối mát), để đốt cháy hỗn hợp không khí – xăng từ chế hòa khí đã được nạp vào buồng đốt.
Lau bugi xe ngày mưa bão kiếm bội tiền. (Ảnh: Việt Vũ) |
Cơ chế hoạt động của bugi luôn trong tình trạng thay đổi giữa 2 cực nóng – lạnh, chính vì vậy, đây là bộ phận hay bị hỏng hóc nhất trong hệ thống đánh lửa của xe. Một trong những trường hợp dẫn đến tình trạng bugi chết hàng loạt là đi qua những vùng ngập lụt, nước làm ẩm bugi khiến xe chết máy.
Anh Bùi Tuấn, một thợ sửa xe ở Hà Đông, cho biết: “Khi bugi bị ảnh hưởng, xe rất khó nổ máy, khi nóng động cơ chạy giật cục, máy khó chạy ở chế độ ga-lăng-ti...”.
Trong khi di chuyển, động cơ xe sẽ phát sinh ra nhiệt độ rất cao. Các chi tiết trong xe máy luôn trong tình trạng “căng phồng”, vì vậy, trong trường hợp xe lội nước và vô tình chạm tới bugi xe sẽ làm giảm đột ngột nhiệt độ khiến bugi bị nứt, vỡ phần sứ cách điện. Tia lửa điện phóng qua khe nứt đó thay vì giữa 2 điện cực và kết quả động cơ chết máy vì hỗn hợp không được đốt cháy.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác đẫn tới hiện tượng chết bugi là do xec-xang không gạt hết dầu bản trên thành xi-lanh. Dầu bị đốt cháy bám bẩn bu-gi là giảm điện trở cách điện. Tia lửa sinh ra có công suất yếu, ảnh hương tới quá trình châm cháy.
Đối với xe số để làm giảm tình trạng chết bugi xe khi đi qua những đoạn đường ngập lụt nên cho xe chạy ở số thấp (số 1 hoặc 2) và giữ ga đều giúp khí xả ra liên tục và nước không thể tràn vào.
Trong trường hợp đi qua các đoạn đường bị tắc, chủ xe cho xe về số "0" (lúc này ga lớn bao nhiêu cũng chẳng sợ xe chạy), giữ đều tay ga, xuống xe hoặc chống chân, từ từ dắt qua.
Còn đối với xe tay ga, không nên đi qua các đoạn đường ngập cao hơn ống xả của xe. Trong trường hợp bất khảng kháng, thì lưu ý không nên nhả tay ga và đi một mạch qua đoạn đường bị ngập.
Đối với những xe bị sự cố bugi khi đi qua đường ngập cao, chủ xe nên rút tẩu ra, lau hoặc thổi bugi cho khô rồi lắp lại và khởi động máy. Việc này nhằm giảm bớt nước trong tẩu và bugi để lửa không còn bị đánh ra ngoài.
Việc xe chết máy sẽ phức tạp hơn nếu nước vào chế hòa khí, chủ xe sẽ phải mở hẳn vít xăng ở chế hòa khí để cho nước chảy ra ngoài rồi vặn chặt vít lại. Như vậy sẽ giảm bớt lượng nước vào trong máy và có thể giúp việc khởi động máy dễ dàng hơn.
Theo VTC