Mới đây, trong văn bản gửi các trường về việc triển khai thực hiện chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, các trường cần chính sách ưu tiên, gồm học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học chương trình đào tạo về bán dẫn. Đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trong việc tìm kiếm hỗ trợ kinh phí hoặc cấp học bổng; tạo điều kiện thực hành, thực tập cho sinh viên tại doanh nghiệp và được tuyển dụng sau khi ra trường.
Đặc biệt hơn là trong chuyến thăm gần đây tại Việt Nam, tỷ phú Jensen Huang - chủ tịch NVIDIA - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới đã đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của nước ta trong lĩnh vực này. Ông cũng tuyên bố NVIDIA sẽ xây dựng cứ điểm của Tập đoàn tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút nhân tài.
Vậy thì ngành này có gì mà hot đến thế?
Ngành bán dẫn là gì?
Ngành bán dẫn là ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính và thiết bị di động bằng việc sử dụng chất bán dẫn. Các vi mạch và chip được sản xuất từ chất bán dẫn có độ dẫn điện ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện.
Đây là một ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu. Đồng thời, là nền tảng cho các thiết bị điện tử, vi mạch và các linh kiện điện tử khác.
Ngành bán dẫn học những gì?
- Vật lý bán dẫn: Sinh viên cần hiểu về cấu trúc và tính chất của các vật liệu bán dẫn như silic, germani, và gallium arsenide. Điều này bao gồm cả hiểu biết về cấu trúc tinh thể, vùng cấm, và các hiện tượng điện tử trong vật liệu bán dẫn.
- Thiết kế vi mạch: Đây là một mảng quan trọng trong ngành chip bán dẫn, nơi sinh viên học cách thiết kế và mô phỏng các vi mạch điện tử. Các môn học có thể bao gồm nguyên lý thiết kế vi mạch, phương pháp mô phỏng và kiểm tra vi mạch.
- Sản xuất và công nghệ chế tạo: Sinh viên học về các quy trình sản xuất và công nghệ chế tạo để sản xuất các chip bán dẫn. Điều này có thể bao gồm quy trình phóng ảnh, ets, và các kỹ thuật đo lường và kiểm tra chất lượng.
- Kỹ thuật điện tử: Kiến thức về các linh kiện điện tử và các mạch điện tử cũng là một phần quan trọng của ngành chip bán dẫn. Sinh viên cần hiểu về các thành phần như transistor, diode, và vi mạch tích hợp.
- Kỹ năng lập trình và phần mềm: Trong một số trường hợp, sinh viên cũng cần có kiến thức về lập trình và phát triển phần mềm để làm việc với các hệ thống điều khiển và kiểm soát được tích hợp trong các chip bán dẫn.
Ngoài ra còn các môn học chuyên ngành, cơ sở ngành khác.
Một số trường đào tạo ngành bán dẫn ở Việt Nam như: Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học Đà Nẵng; Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học FPT...
Giải mã sức hút của ngành bán dẫn
- Vai trò cốt lõi trong cuộc sống hiện đại
Ngành bán dẫn đóng vai trò nền tảng, kết nối mọi thiết bị điện tử trong cuộc sống hiện đại, từ những chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn đến những hệ thống công nghiệp phức tạp. Các vi mạch bán dẫn là linh hồn của những đột phá công nghệ như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và mạng 5G, đồng thời là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần tạo nên một thế giới ngày càng thông minh và tiện nghi.
- Tiềm năng tăng trưởng lớn
Ngành bán dẫn đang chứng kiến một tương lai đầy hứa hẹn với tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và xu hướng số hóa toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm điện tử ngày càng cao. Bên cạnh đó, sự ra đời của các công nghệ mới như AI, IoT, xe tự lái,... đã mở ra những cánh cửa mới cho ngành bán dẫn, tạo ra nhiều cơ hội phát triển và nâng cao giá trị thị trường lên hàng trăm tỷ đô la. Với những yếu tố thuận lợi này, ngành bán dẫn dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
- Mức lương hấp dẫn và cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Chia sẻ của các chuyên gia cho thấy mức lương của nhân sự ngành bán dẫn, thiết kế vi mạch tại Việt Nam sẽ là con số "đáng mơ ước" với nhiều bạn trẻ hiện nay, dao động trong khoảng 250.000.000 đến 2.540.000.000 VND mỗi năm tùy kinh nghiệm.
Chẳng hạn, lương kỹ sư 1 - 3 năm kinh nghiệm từ 250.000.000 - 380.000.000 VND/năm. Nếu có 4 - 6 năm kinh nghiệm, người trong ngành này có thể thu nhập 400.000.000 - 635.000.000 VND/năm. Mức thu nhập có thể tăng lên 1.168.000.000 - 2.030.000.000 VND/năm, thậm chí cao hơn, với những người có trên 11 năm kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc tại các công ty bán dẫn thường rất chuyên nghiệp, hiện đại, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển bản thân và nâng cao kỹ năng. Với sự đa dạng về vị trí, từ thiết kế, sản xuất đến nghiên cứu, ngành bán dẫn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp thú vị cho những ai muốn theo đuổi con đường sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
- Đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của xã hội
Ngành bán dẫn không chỉ là động lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Công nghệ bán dẫn đã tạo ra những đột phá trong lĩnh vực y tế, giúp chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Trong giáo dục, công nghệ bán dẫn mở ra những phương pháp học tập mới, linh hoạt và tương tác. Bên cạnh đó, các giải pháp năng lượng xanh dựa trên công nghệ bán dẫn cũng góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tổng hợp
Trang Vũ