Nhiều người đeo tai nghe mỗi ngày nhưng ít khi vệ sinh chúng. Theo thống kê từ Senior Living, tai nghe chứa 119.186 CFU (các đơn vị hình thành khuẩn lạc). Con số này gấp 2.700 lần vi khuẩn trên một chiếc thớt và gấp 330 lần so với mặt bàn bếp.
Vào năm 2008, Đại học Manipal (Ấn Độ) thực hiện nghiên cứu về sự phát triển của vi khuẩn khi sử dụng tai nghe, trên 50 nam giới, trong độ tuổi 18-25 và được chia làm hai nhóm. Kết quả cho thấy đeo tai nghe thường xuyên làm tăng số lượng vi khuẩn trong tai, phổ biến nhất là chủng tụ cầu khuẩn.
Tác hại khi đeo tai nghe cả ngày
Đeo tai nghe gần như là sở thích và thói quen của rất nhiều bạn trẻ. Tai nghe thường được dùng để nghe nhạc, xem phim hoặc đơn giản là giảm tiếng ồn xung quanh,… Tuy nhiên, việc sử dụng tai nghe quá thường xuyên, nghe âm lượng quá lớn, hoặc dùng tai nghe không phù hợp sẽ dẫn đến những nguy hại khôn lường đến sức khỏe. Trong đó phải kể đến những tình trạng khá thường gặp như:
Chóng mặt, đau đầu: Bạn chỉ nên nghe nhạc và nói chuyện điện thoại qua tai nghe, sau đó tháo chúng ra khỏi tai. Việc sử dụng liên tục với tiếng ồn lớn có thể dẫn đến tăng áp lực trong ống tai, gây chóng mặt, đau đầu kéo dài.
Nghe kém: Đeo tai nghe trong tai thời gian dài có thể khiến người dùng sốc âm thanh, dẫn đến mất thính lực. Về cơ bản, sóng âm thanh do tai nghe tạo ra làm cho màng nhĩ rung động. Rung động lan truyền đến các bộ phận khác của tai, bao gồm cả ốc tai và các tế bào lông. Khi tiếp nhận âm thanh, các tế bào lông bắt đầu một phản ứng dây chuyền gửi tín hiệu điện tử đến não, tín hiệu này ghi lại dưới dạng âm thanh. Tai tiếp xúc lâu với âm lượng lớn khiến các tế bào lông mất nhạy cảm với rung động, dễ bị uốn cong hoặc gấp nếp, dẫn đến suy giảm thính lực.
Nhiễm trùng tai: Sử dụng tai nghe nhiều tạo điều kiện cho vi khuẩn bám vào tai nghe, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai. Đặc biệt, nguy cơ nhiễm trùng tai tăng hơn khi bạn sử dụng thiết bị này vào mùa hè và đeo tai nghe khi tập thể dục. Mồ hôi ra nhiều, gây ẩm tai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Bạn cũng nên vệ sinh tai nghe thường xuyên, khoảng 3 lần mỗi tuần, nếu có thể nên vệ sinh mỗi ngày.
Ráy tai: Sử dụng tai nghe trong thời gian dài dẫn đến sự phát triển của ráy tai, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các vấn đề về thính giác hoặc ù tai cũng tăng với người dùng thường xuyên.
Đau tai: Nếu bạn dùng thiết bị nghe kém chất lượng, có thể khiến tai đau, thậm chí nhức trong ống tai.
Chứng tăng âm thanh: Người bị ù tai dễ phát triển độ nhạy cảm cao với âm thanh, gọi là chứng tăng âm thanh. Bạn không nên dùng tai nghe quá một giờ mỗi ngày để hạn chế đau tai và mất thính lực.
Đeo tai nghe thế nào cho đúng?
Đôi khi do yêu cầu công việc thì sử dụng tai nghe là cần thiết. Hoặc sau một ngày làm việc mệt mỏi thì đeo tai nghe để thưởng thức những bản nhạc yêu thích cũng là cách giảm stress rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng tai nghe phải đúng cách, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là khả năng nghe:
Để mức âm lượng phù hợp
Khi đeo tai nghe, mức âm lượng phù hợp nhất là không quá 60% so với mức cao nhất của âm thanh từ thiết bị gắn tai nghe. Không nên nghe âm lượng quá lớn sẽ gây áp lực mạnh đến màng nhĩ, gây ù tai, ảnh hưởng xấu đến chức năng thính giác, tránh những tác hại khi đeo tai nghe nhiều.
Sử dụng tai nghe phù hợp
Nhiều trường hợp bị đau tai khi dùng tai nghe là sử dụng sản phẩm không phù hợp. Tai nghe quá to, làm bằng nhựa cứng,… sẽ khiến tai bị đau và khó chịu. Nên chọn loại tai nghe có phần bảo vệ bằng mút xốp mỏng, êm, thiết kế gắn vừa với lỗ tai.
Thời lượng sử dụng tai nghe vừa phải
Chỉ nên đeo tai nghe không quá 2h/ngày. Mỗi lần sử dụng không nên quá 60 phút. Nên cho tai được nghỉ ngơi trong quá trình sử dụng tai nghe. Nếu điều kiện công việc yêu cầu phải dùng đến tai nghe để tránh nhiễu âm thanh từ bên ngoài thì bạn có thể thay thế bằng mút xốp hoặc bông gòn.
Vệ sinh tai nghe thường xuyên
Tai nghe là vật dụng cá nhân nên cần được vệ sinh thường xuyên. Làm sạch đúng cách để vừa giữ sạch tai nghe vừa không làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Không nên dùng chung tai nghe vì có thể gây lây lan vi khuẩn có hại. Đây cũng là cách để giảm tác hại khi đeo tai nghe nhiều.
Nên sử dụng app đo cường độ âm thanh
Theo khuyến cáo của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ thì âm lượng phù hợp để người nghe không gây ảnh hưởng đến thính giác là mức 70 dBA. Việc sử dụng tai nghe âm thanh trên mức này có thể gây giảm thính giác nghiêm trọng theo thời gian. Hiện nay, để tiện lợi hơn, bạn có thể cài đặt ứng dụng đo cường độ âm thanh. Đây là ứng dụng giúp đo mức độ ồn của môi trường và mức decibel từ các thiết bị, là cách hiệu quả để kiểm soát mức độ âm thanh từ tai nghe nếu sử dụng thiết bị này thường xuyên.
Làm sao để vệ sinh tai nghe đúng cách?
Một số người cũng có thói quen để tai nghe ở những nơi như túi xách, túi quần hay mặt bàn làm việc. Đây là môi trường tồn tại nhiều vi khuẩn nên chúng nhanh chóng bám vào tai nghe, ảnh hưởng đến sức khỏe tai và chất lượng thính giác.
Do đó, phải làm sạch tai nghe mỗi ngày hoặc trước khi sử dụng bằng cách chấm một ít cồn lên khăn giấy hay vải mềm và lau nhẹ nhàng. Tránh sử dụng khăn ướt hoặc chất tẩy rửa hóa học.
Khi có quá nhiều ráy tai và bụi bẩn tích tụ ở tai nghe, không nên sử dụng vật sắc nhọn như nhíp hoặc dũa móng tay để sạch bụi bẩn; thay vào đó có thể sử dụng bàn chải mềm, tăm bông. Hạn chế dùng lực mạnh vì dễ làm hỏng màng lọc âm, giảm chất lượng âm thanh.
Nếu đeo tai nghe khi chơi thể thao, mỗi người nên vệ sinh sau khi dùng. Điều này giúp ngăn mồ hôi, bụi bẩn bám dính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển.