Vậy, bạn cần chuẩn bị những gì?
1. Kiểm tra lại tình trạng của xe xem có gì cần sửa chữa không?
Đây là việc bạn cần phải làm định kỳ để xem xế yêu có “ốm đau” gì không. Cẩn thận hơn hết, trước mỗi trận bão hoặc mưa dông kéo dài, bạn cũng nên kiểm tra lại một lần, từ lốp xe đến các bộ phận bên trong và bên ngoài xem có gì gãy hoặc hư hỏng không. Đừng để mình bị lâm vào tình trạng dở khóc dở cười khi đang lái xe chạy bão mà xe lại “lăn đùng” ra một chỗ.
Lưu ý, có một số bộ phận mà bạn thường hay chủ quan không để ý là cần gạt nước. Gạt nước dễ bị hư hỏng do ảnh hưởng của mặt trời và vật thể trên kính chắn gió. Kiểm tra để đảm bảo chúng vẫn giúp bạn có tầm nhìn tốt khi đi giữa mưa bão.
2. Đổ đầy bình xăng
Hãy thử tưởng tượng nếu bạn đang đi đường thì xe hết xăng hoặc gần hết xăng, trong khi đó trạm xăng lại không hoạt động được do ảnh hưởng của bão? Đừng để những việc “nếu” không đáng có ảnh hưởng tới hành trình của bạn. Phòng ngừa không bao giờ thừa, hãy đổ đầy bình xăng trong ngày hôm nay, bạn nhé.
3. Thay nhớt, bổ sung các dung dịch trên xe khi cần thiết:
Nhớt động cơ, nhớt hộp số, dầu phanh, dung dịch ắc quy, dầu trợ lực, nước làm mát, chất nước rửa kính…. Hãy kiểm tra lại một lần trong hôm nay để đảm bảo tất cả các dung dịch này vẫn đang ở trong trạng thái tốt nhất.
4. Bơm lốp
Không chỉ bơm đầy 4 lốp trên xe, bạn cũng nên kiểm tra xem lốp dự phòng có ở trạng thái sẵn sàng hay không.
Chú thích ảnh |
5. Loại bỏ những thứ không cần thiết trên xe:
Các phụ kiện gắn ngoài như anten, giá nóc,… nên được gỡ bỏ lúc này, vì giữa trời mưa bão, chúng có thể bị các “vật thể bay” va đập và gãy rời, gây nguy hiểm cho người và phương tiện cùng lưu thông trên đường. Sau cơn bão, bạn có thể dễ dàng lắp lại chúng.
6. Chuẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp cho xe:
Đề phòng việc đang đi trên đường mà gặp phải sự cố nhỏ, bản thân có thể tự khắc phục được, việc chuẩn bị sẵn sàng một bộ dụng cụ khẩn cấp cho xe sẽ giúp bạn luôn luôn chủ động được cho xế yêu của mình. Bộ dụng cụ này bao gồm: Đồ sửa xe, dao bấm, cầu chì, miếng dán lốp, dầu động cơ, dầu trợ lái vô lăng, chất chống đông, giấy nhám, bang dính, cờ lê, bộ kích điện, đèn pin, pin dự phòng, radio, giấy bút…
Ngoài ra, cũng một công chuẩn bị, bạn có thể chuẩn bị thêm một số thứ khác như tiền mặt, giày ủng, hộp y tế, đèn pin, thức ăn và nước uống… Tất cả đều phải sẵn sàng trong chiếc ba lô, để ở vị trí thuận tiện nhất trên xe để không phải mất thời gian khi cần dùng đến.
7. Kiểm tra lại chính sách bảo hiểm xe bạn:
Hãy chụp ảnh tình trạng của xe trước khi mưa bão, đề phòng việc hư hại xảy ra, bạn vẫn có bằng chứng chứng minh nguyên nhân dẫn đến hư hỏng. Đồng thời, hãy xem lại hợp đồng bảo hiểm của bạn, nếu có gì khúc mắc, hãy gọi điện cho chuyên viên bảo hiểm để được giải đáp.
Nắm rõ các bước cần thiết để có thể nhận được bảo hiểm và tiến hành sớm nhất có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản thời gian và chi phí khá lớn cho bản thân.
8. Chuẩn bị chỗ đỗ an toàn:
Nếu không thể đậu xe trong các gara an toàn, hãy tìm những vị trí mà bạn cho là tốt nhất để đỗ xe, tránh những chỗ dễ bị ngập úng hay có khả năng bị “vật thể lạ” bay vào, làm hư hỏng xe. Những chỗ cần tránh đỗ xe bao gồm: Cạnh cột điện, cột đèn, biển báo, cây to dễ đổ…
9. Che chắn:
Không chỉ dùng để chống nắng, những chiếc bạt phủ ô tô cũng rất hữu hiệu khi trời mưa gió. Trong nước mưa thường chứa một lượng axit nhỏ, rất không tốt cho vỏ xe. Ngoài ra, bạt phủ cũng giúp bạn đỡ mất nhiều thời gian để lau chùi, dọn dẹp xe sau cơn bão.
Huệ Đỗ (tổng hợp)