Ngày 26/11, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một người đàn ông ở Nội Mông mua vé số và được chủ cửa hàng xổ số tặng thêm một tờ. Không ngờ, tờ vé số được tặng lại trúng giải 10 triệu NDT (tương đương 35 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc nhận thưởng của anh không được suôn sẻ. Anh và người bán vé số đã xảy ra tranh chấp. Cả hai đều cho rằng mình là chủ nhân hợp pháp của số tiền thưởng. Khi ngày đổi thưởng đến gần, tòa án đã vào cuộc và kết quả khá bất ngờ.
Trúng số nhờ “hàng tặng kèm”
Anh Khâu Tiến là một người thường xuyên mua vé số, nhưng mỗi lần anh chỉ mua 10 NDT (khoảng 35 nghìn đồng). Anh lập luận rằng số tiền này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, coi như một cách giải trí, thử vận may. Vì nhà anh ở khá xa cửa hàng vé số, lại là khách quen nên anh đã kết bạn với anh Hồ Vĩ, chủ cửa hàng. Hàng ngày, anh Khâu Tiến chuyển khoản qua WeChat và Hồ Vĩ chụp ảnh vé số gửi lại. Thói quen này đã được duy trì trong một khoảng thời gian dài.
Như thường lệ, Khâu Tiến lại chuyển cho Hồ Vĩ 10 NDT và nhận được ảnh chụp của hai tờ vé số. Người mua hàng thắc mắc thì Hồ Vĩ nhắn tin giải thích rằng tờ thứ nhất là tờ anh mua, còn tờ thứ hai là quà tặng của cửa hàng vé số. Khâu Tiến cảm ơn và không nghĩ ngợi gì thêm.
Cả hai người đều không ngờ rằng, tờ vé số Khâu Tiến mua không trúng, còn tờ được tặng lại trúng giải nhất với số tiền thưởng lên đến 10 triệu NDT. Biết tin, Khâu Tiến vô cùng vui mừng, không thể tin được vận may này lại đến với mình. Có thể nói, đây là số tiền khổng lồ với một người lao động bình thường. Với số tiền này, Khâu Tiến có thể mua nhà, mua xe...
Nhưng đồng thời, anh không ngờ rằng mình không những không nhận được tiền thưởng mà còn vướng vào rắc rối.
Người bán trở mặt, không tặng nữa!
Về phía chủ cửa hàng Hồ Vĩ, anh ta vô cùng hối hận. Nếu tờ vé số anh Khâu Tiến mua trúng thưởng thì đó là sở hữu của khách hàng. Nhưng tờ vé số trúng thưởng lại là tờ anh tặng. Nếu biết trước, anh đã giữ lại cho mình.
Hơn nữa, vé số vẫn đang ở trong tay Hồ Vĩ, quyền sở hữu chưa được chuyển giao, anh hoàn toàn có thể rút lại lời tặng. Vì vậy, Hồ Vĩ nói với Khâu Tiến rằng anh ta sẽ không tặng tờ vé số đó nữa và lấy lại.
Khâu Tiến vô cùng tức giận và không chấp nhận lời giải thích này. Anh không ngờ chủ cửa hàng lại không giữ chữ tín như vậy. Anh hối hận vì đã không đến tận nơi mua vé số để cầm chắc tờ vé số trong tay, nếu vậy thì đã không xảy ra chuyện này. Tất cả là do anh muốn tiết kiệm thời gian nên đã mua vé số qua WeChat.
Hai người tranh cãi qua lại, ngày đổi thưởng càng đến gần. Nếu không đổi thưởng kịp thời, coi như tự động bỏ giải. Không thể tự thương lượng, Khâu Tiến đã đệ đơn kiện chủ cửa hàng Hồ Vĩ ra tòa, yêu cầu bảo toàn tài sản trước khi xét xử.
Cách giải quyết của tòa án
Ngày đổi thưởng sắp đến, tòa án phải giải quyết vụ việc trước ngày cuối cùng đổi thưởng. Vì vậy, tòa án đã triệu tập nguyên đơn và bị đơn để tiến hành hòa giải. Tòa án đã áp dụng nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận để giải quyết tranh chấp.
Suy cho cùng, hai người đều có cái lý của riêng mình, do vậy thẩm phán đã đề xuất phương án thanh toán hòa giải, cho hai bên thời gian để thương lượng về việc chia số tiền thưởng này. Sau nhiều nỗ lực, cả nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý với phương án hòa giải được đề xuất, thỏa thuận hòa giải đã được hình thành. Việc giải quyết vụ án này đã giảm bớt gánh nặng kiện tụng cho các bên.
Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận hòa giải không được công bố, khiến dư luận tò mò vì 10 triệu NDT không phải là số tiền nhỏ, liên quan đến quyền riêng tư cá nhân nên cũng dễ hiểu.
Thùy Anh (Tổng hợp)