Từ những năm 1960 trở về trước, ở các nước Âu Mỹ, nơi có ngành công nghiệp ô tô phát triển nhất thế giới, người sở hữu xe hơi vẫn được xem là người có thu nhập cao. Khác với Việt Nam, các nước này có công nghệ tự chủ, ô tô có trước xe máy nên người không có tiền mua ô tô vẫn không chọn xe máy vì tính an toàn kém. Cho nên, Âu Mỹ không có văn hóa xe máy (trừ xe máy phân khối lớn).
Trong những năm bao cấp tại Việt Nam, ai có xe máy được xem là người giàu. Cuối 1990, xe gắn máy Honda nhãn hiệu Dream là niềm mơ ước của đa số người. Đầu 2000, xe @ giá 70 triệu và xe Future giá 18 triệu (đều của hãng Honda) là hai minh chứng về sự cách biệt thu nhập của người dân. Đầu thập kỷ 2010, nhiều người bắt đầu sắm ô tô, đẩy sự bon chen lên một bước mới.
Người ta bắt đầu kèn cựa ganh tị nhau như người xe đạp nhòm ngó người đi xe máy cách nay 30 năm. Lịch sử luôn lặp lại chỉ khác hình thức. Nào là tôi cần "sắt bọc da" cho an toàn. Nào là tôi cần có cái "che mưa che nắng". Nào là "giá xe hơi quá cao vượt mức thu nhập của nhiều người". Thực tế, chiếc xe Dream đầu tiên nhập vào Việt Nam từ Thái Lan giá 7 cây mốt (71 chỉ vàng) tính nhẩm ra gần bằng chiếc Hyundai i10 bây giờ.
Ảnh minh họa. |
Đến đầu thập niên 2000 thì giá chiếc xe Dream 2 chỉ còn 15 triệu (bằng 3 cây vàng theo thời giá lúc đó). Nhìn lại quá khứ mà xem, thiếu gì xe máy có giá vượt mức thu nhập của nhiều người sao lúc đó không thấy ai phàn nàn giá xe cao.
Xe hơi ở Việt Nam vì sao giá cao - vì phải đóng thuế nặng. Sao phải đóng thuế nặng - vì nhà nước cần tiền làm đường. Xe hơi ờ các nước Âu Mỹ giá rẻ hơn vì hệ thống đường của họ cơ bản đã hoàn thành, thậm chí đã thu hồi đủ vốn. Thuế cầu đường của họ bây giờ chỉ là chi phí để duy tu đường thôi. Nợ công của các nước châu Âu mấy năm trước chính là tiền phí bảo hiểm xã hội mà nhà nước lấy ra để làm đường chưa thu hồi về kịp. Từ đó có thể thấy chi phí làm đường nặng đến mức nào.
Muốn xe rẻ như Âu Mỹ, chúng ta phải chịu khó đóng thuế đi nhé, chờ 30 năm sau may ra giá xe sẽ rẻ. Đường nhà quê rộng thênh thang đấy nhưng không miễn phí. Lẽ ra người dân quê mua xe hơi phải đóng thuế nặng hơn thành phố mới đúng vì dân quê ít người có xe hơi. Dân thành phố gánh bớt một khoản không nhỏ rồi. Nếu ai mua xe ở đâu đóng thuế ở đó, tiền thuế ấy được chi vào làm đường tại chỗ, thì xin thưa dân quê dù có mua được xe hơi cũng không có đường để đi và chúng tôi ở thành phố cũng không phải chịu cảnh ách tắc kẹt xe như này.
Tiền thuế của TP HCM chiếm 22% tổng thuế của cả nước, giá như khoản thuế ấy chỉ dùng để phát triển thành phố. Ai chưa đủ tiền mua xe cố "cày" mà kiếm tiền, đừng "phán" kiểu so sánh giá xe ấy nữa. Người ta đóng được thì mình không thể ngoại lệ và nếu nghèo xin đừng bon chen.
Theo VnExpress