Mới đây, Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng cho biết phòng khám vừa thực hiện cấp cứu ngoại viện một nạn nhân bị điện giật bên bờ ao.
Điều dưỡng Đinh Việt Hùng, khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương), người trực tiếp đến hiện trường, cho biết vào lúc 10h21p ngày 29/10/2023, anh có lịch trực tại Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng thì nhận được yêu cầu cấp cứu ngoại viện.
Sau khoảng 5 phút di chuyển, anh và lái xe đã đến được nơi nạn nhân gặp nạn, hiện trường là một khu ao cá.
Nạn nhân là một thanh niên khoảng 20 tuổi bị điện giật trong trạng thái mũi có nhiều bọt màu hồng, thở ngáp, mạch không bắt được, tay và chân trái có nhiều vết bỏng, da cháy sém. Anh Hùng hỏi nhưng bệnh nhân không đáp ứng, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, đồng tử giãn…
Bệnh nhân được đưa tới phòng khám (ảnh cắt từ video).
"Tôi thấy hiện trường nơi bệnh nhân đã an toàn nên thực hiện ép tim ngoài lồng ngực ngay tại bờ ao. Sau khi tôi ép tim được khoảng 5 phút khi thấy trên monitor cầm tay có tín hiệu SPO2 có mạch nhỏ. Tôi nhờ anh lái xe hỗ trợ đưa bệnh nhân lên xe. Trong quá trình di chuyển tới phòng khám vẫn tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực", anh Việt Hùng nói.
Bệnh nhân được chuyển về Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng. Tuy nhiên, trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục ngừng tuần hoàn. Ekip cấp cứu tại phòng khám đã ép tim, sốc điện và bệnh nhân có mạch trở lại. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân tiên lượng nguy kịch do liên tục ngừng tim.
Ekip đã quyết định chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương để tiếp tục cấp cứu hồi sức. Trong thời gian di chuyển từ phòng khám, ekip gồm 4 người (3 điều dưỡng và 1 bác sĩ), trong đó anh Hùng và bác sĩ thay nhau ép tim cho bệnh nhân.
"Xe cấp cứu chạy nhanh nên lắc nhiều nhưng vẫn phải thay nhau ép tim cho bệnh nhân. Người này mỏi thì người kia thay, sau khoảng hơn 10 phút chạy xe cũng tới bệnh viện, đã có ekip chờ sẵn", anh Hùng nói.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bệnh nhân được các bác sĩ dồn toàn lực cấp cứu. Gần 3h ngừng tim, mặc dù ép tim liên tục nhưng khả năng tưới và cấp máu cho não chắc chắn rất hạn chế, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ chết não và suy đa tạng. Trong hoàn cảnh này, bệnh nhân được chỉ định áp dụng biện pháp hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục.
Đến ngày thứ 5, các chỉ số xét nghiệm cải thiện, bệnh nhân được giảm liều từ từ thuốc vận mạch rồi cắt thuốc vận mạch, cắt an thần, bệnh nhân dần thoát mê. Bệnh nhân thở và bắt đầu có ý thức trở lại, ngày thứ 9, bệnh nhân có thể ngồi rồi đứng dậy.
Khi được hỏi về quyết định ép tim ngay trên bờ ao, điều dưỡng Việt Hùng tâm sự: "Bệnh nhân sống được là công của cả một ekip, các bác sĩ tại phòng khám, bác sĩ hồi sức cấp cứu, đội ngũ 115… chứ tôi chỉ góp công rất nhỏ thôi".
Anh Hùng cho biết thêm đây là lần đầu tiên anh trực tiếp tham gia cấp cứu cho một bệnh nhân trẻ tuổi bị ngừng tuần hoàn. Nhưng anh cũng không run, không sợ khi đưa ra quyết định ép tim cho bệnh nhân ngay tại bờ ao vì anh biết và được học đó là cách tốt nhất để cứu bệnh nhân.
"Khi nhìn thấy bệnh nhân tỉnh lại, tôi đã rất vui, hạnh phúc. Gia đình cậu thanh niên trẻ cũng tìm tới cảm ơn tôi. Đó là niềm hạnh phúc, động lực để tôi tiếp tục cố gắng", anh Việt Hùng nói.