Theo An ninh Thủ đô, từ 2025, thuê bao di động trên toàn quốc sẽ bị khóa SIM hoặc thu hồi số nếu không chuẩn hóa thông tin. Việc bị khóa SIM không chỉ khiến chủ thuê bao không thể thực hiện cuộc gọi hoặc nhận tin nhắn mà còn dẫn đến những rủi ro lớn hơn như mất quyền sở hữu số điện thoại lâu năm, ảnh hưởng đến tài khoản ngân hàng và ví điện tử…
1. Người dùng đăng ký thông tin cá nhân không chính xác
Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mọi thuê bao di động phải đăng ký thông tin cá nhân chính xác và đầy đủ. Theo đó, các thông tin cá nhân cần cung cấp kèm theo SIM điện thoại bao gồm tên, ngày sinh, số CMND/CCCD, địa chỉ liên lạc...
Thuê bao sẽ bị khóa SIM trường hợp không đăng ký chính xác, cung cấp thông tin giả mạo hoặc không đầy đủ và số điện thoại sẽ bị thu hồi sau một thời gian nếu không cập nhật thông tin.
2. Thuê bao không hoạt động trong thời gian dài
Khóa SIM và thu hồi số điện thoại với thuê bao không hoạt động (không gọi điện, nhắn tin, nạp tiền) trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng.
3. Không thực hiện cập nhật thông tin theo yêu cầu của nhà mạng
Các nhà mạng sẽ yêu cầu người dùng cập nhật thông tin định kỳ như số CMND/CCCD mới, ảnh chân dung để đảm bảo thông tin của người dùng luôn chính xác, đúng tình trạng hiện tại.
Trường hợp người dùng nhận được yêu cầu cập nhật thông tin nhưng không thực hiện, SIM của người đó có thể bị khóa và sau một thời gian, số điện thoại sẽ bị thu hồi.
Để cập nhật thông tin cá nhân cần thiết, người dùng có thể trực tiếp liên hệ với hotline hoặc tới các điểm giao dịch của nhà mạng để được hỗ trợ.
4. SIM được dùng cho mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật
Luật quy định xử lý nghiêm với các thuê bao bị phát hiện dùng cho mục đích lừa đảo, phát tán thông tin sai sự thật hoặc vi phạm pháp luật.
Nhà mạng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra và xử lý. Theo đó, nhà mạng sẽ thực hiện khóa SIM và thu hồi số điện thoại. Ngoài ra, người sử dụng SIM điện thoại cho mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật sẽ phải đối mặt với các hình phạt pháp lý.
Huỳnh Duy