Sắp có cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông
Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho hay Bộ GTVT đã ban hành chương trình chuyển đổi số tầm nhìn 2030 hướng đến đổi mới sáng tạo ứng dụng dữ dữ liệu công nghệ số để phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông.
Mục tiêu là đến năm 2025 sẽ hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải; ứng dụng dữ liệu sâu rộng trong quản lý về an toàn giao thông, hình thành 4 cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nghiên cứu về an toàn giao thông.
Đến nay, Bộ GTVT đã tập trung số hóa dữ liệu thống kê hiện trạng kết cấu hạ tầng, bảo trì hạ tầng và ứng dụng công nghệ dự đoán bảo trì kết cấu hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn giao thông như hoàn thành quản lý gần 25.000km mặt đường bộ, gần 7.354 cầu đường bộ và đang số hóa các lĩnh vực khác như đường sắt và đường thủy trong năm nay. Riêng lĩnh vực hàng không và hàng hải dự kiến đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ hoàn thành.
Về phía đại diện Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết, thời gian qua ngành công an đã chuyển đổi số cơ bản đến các lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông như đăng ký xe (có cơ sở dữ liệu từ năm 1998 và hiện triển khai xuống hơn 7.000 xã đồng thời kết nối với đăng kiểm, hải quan để đối chiếu), xử lý vi phạm (trích xuất qua hình ảnh) và tai nạn giao thông đã triển khai tới công an cấp huyện.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã đưa 37 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đến nay tỷ lệ thực hiện khoảng 60%.
8/19 trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM dừng hoạt động
TP.HCM hiện có có tổng số 19 đơn vị đăng kiểm và chi nhánh với 49 dây chuyền phục vụ nhu cầu kiểm định cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, 9 trung tâm của doanh nghiệp, 3 trung tâm thuộc Sở GTVT và 7 trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm. Tuy nhiên, do bị phát hiện vi phạm, hiện nay có 8/19 trung tâm và chi nhánh với 20/49 dây chuyền phải tạm dừng hoạt động.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, hoạt động đăng kiểm ôtô trên địa bàn TPHCM hiện không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp do nhiều trung tâm đang bị xử lý. Trung bình mỗi ngày, các trung tâm đăng kiểm còn hoạt động tại TPHCM phải tăng công suất kiểm định hơn 2.200 phương tiện xe ô tô, ưu tiên cho các phương tiện mới đăng ký, sắp hết hạn hoặc đã hết hạn kiểm định.
Để giải quyết vấn đề ách tắc trong quá trình kiểm định xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đảm bảo duy trì hoạt động để giải quyết nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân. Ngoài ra, người dân nên chủ động liên hệ trước và có thể thực hiện ở bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước để giảm ùn tắc cho TPHCM và các tỉnh lân cận
Từ 1/1/2023, tổng kiểm tra hoạt động đăng kiểm trên toàn quốc
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đơn vị này đã quyết định thành lập tổ công tác về tăng cường công tác quản lý nhà nước; kiểm tra, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.
Theo đó, tổ công tác sẽ do lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam làm tổ trưởng, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới làm tổ phó và mời đại diện Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải địa phương tham gia khi thực hiện kiểm tra, rà soát tại đơn vị đăng kiểm.
Từ ngày 1/1 – 31/12/2023, tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc, gồm: công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị và điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định; rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, quy định để khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhận diện từng khâu, vị trí công việc tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực và giải pháp phòng ngừa.
Tăng hơn 900 tỷ đồng vốn cho Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, điều chỉnh tăng hơn 911 tỷ đồng cho Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Cụ thể, Quyết định điều chỉnh tăng 911,046 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (bao gồm 223,144 tỷ đồng vốn trong nước và 687,902 tỷ đồng vốn nước ngoài) cho Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (phần thực hiện dự án) của Bộ GTVT.
Về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương được điều chỉnh ở trên thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án theo quy định.
Thành Đô (tổng hợp)