Việc phủ gầm ô tô có tác dụng bảo vệ, giúp vệ sinh gầm xe, tăng tính thẩm mỹ đồng thời cũng hỗ trợ cách âm. |
Phủ gầm ô tô là việc xịt phủ lên trên toàn bộ bề mặt gầm xe ô tô một lớp sơn hóa chất chuyên dụng. Sơn phủ gầm ô tô thường là một hỗn hợp dung môi dạng sệt có các thành phần gốc nhựa tổng hợp hay cao su non. Lớp sơn đặc biệt này có tác dụng bảo vệ gầm xe tránh khỏi những nhân tố gây hại từ môi trường bên ngoài, giúp vệ sinh gầm xe dễ dàng hơn, tăng vẻ thẩm mỹ, đồng thời hỗ trợ cách âm gầm.
Có thể nói, gầm xe ô tô là một bộ phận phải hứng chịu hầu hết những tác nhân xấu từ ngoài môi trường. Đặc biệt, đối với những loại xe có thiết kế gầm thấp.
Gầm xe liên tục tiếp xúc với đất cát, sỏi đá, bụi bẩn, nước, bùn sình, nhựa đường, dầu mỡ, muối mặn… cùng nhiều tạp chất… từ mặt đường. Các tác nhân này sẽ không chỉ làm bẩn, mà còn gây gỉ sét, ăn mòn, trầy xước, biến dạng… các chi tiết gầm xe ô tô. Thêm việc điều kiện đường sá nước ta chưa phát triển đồng bộ, một số nơi địa hình đường sá phức tạp càng tăng nguy cơ tổn hại gầm.
Ngoài ra, khí hậu Việt Nam đặc trưng nhiệt đới ẩm nên quá trình oxy hóa kim loại diễn ra khá nhanh. Do vậy, nếu chủ xe không có cách bảo vệ gầm tốt có thể khiến cho ôtô nhanh bị xuống cấp.
Các chuyên gia về ô tô nhận định, việc phủ gầm ô tô hiệu quả nhất sẽ được thực hiện khi mới mang xe từ đại lý về bởi phần gầm vẫn còn chưa bị hao mòn và gỉ sét. Mặt khác, khả năng kết dính giữa lớp sơn phủ với gầm xe cũng được tốt hơn.
|
Tác dụng của việc phủ gầm ô tô
Chống gỉ sét, ăn mòn
Phủ gầm ô tô bằng vật liệu sơn phủ chuyên dụng có khả năng ngăn chặn quá trình oxy hóa, chống gỉ sét, ăn mòn tối ưu. Trong các loại sơn phủ gầm thường có hàm lượng chất chống oxy hóa, chống ăn mòn rất cao.
Bên cạnh đó, trong dung dịch sơn phủ gầm ô tô có nhiều dung môi chứa thành phần gốc nhựa dẻo cùng cao su giúp lớp sơn tính đàn hồi vĩnh viễn. Lớp sơn này giúp phủ trám các vết nứt, khe hở khớp nối, lỗ hổng nhỏ… bảo vệ các chi tiết bên trong, ngăn nguy cơ kim loại bị ăn mòn.
Ngăn chặn việc trầy xước, biến dạng
Trong quá trình vận hành, ô tô không thể tránh khỏi những va chạm, trầy xước, tổn hại, thậm chí biến dạng do bị các vật sắc nhọn, đá văng trúng ... Với địa hình đường xá tại Việt Nam, việc bị sỏi đá văng va đập mạnh vào gầm là thường xuyên xảy ra. Các dung môi chứa thành phần gốc nhựa dẻo và cao su trong thành phần sơn phủ gầm ô tô có tác dụng giúp gầm xe tránh được các trầy xước, tổn hại do đá văng, gầm bị va chạm nhẹ...
Khả năng chống ồn, cách âm
Các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho rằng, sơn gầm ô tô thực sự có công dụng hỗ trợ cách âm – chống ồn cho gầm xe. Tùy theo loại sơn phủ cũng như số lớp sơn mà phủ gầm có tác dụng tiêu âm, giảm ồn từ 20% – 60%.
Đáng chú ý, nếu chọn loại phủ gầm có thành phần cao su tổng hợp hay cao su non, khả năng tăng cường cách âm sẽ hiệu quả hơn. Phun cao su non gầm xe sẽ tạo ra một lớp phủ đàn hồi, giảm thiểu đáng kể tiếng vọng từ hốc bánh xe, tiếng đá lạo xạo, tiếng lẹt xẹt khi đá văng bắn vào gầm xe, hốc bánh xe.
Hạn chế tối đa việc hấp thụ nhiệt từ mặt đường ngược lên
Nhiệt độ trong xe tăng cao không chỉ do nắng nóng chiếu từ phần nóc xe, các kính xe mà còn do nhiệt độ cao hắt lên từ bề mặt đường. Các lớp sơn phủ gầm ô tô có khả năng hỗ trợ chống nóng, cách nhiệt gầm xe.
Thẩm mỹ, dễ dàng vệ sinh
Việc phủ gầm ô tô giúp việc vệ sinh gầm xe trở nên dễ dàng hơn rất nhiều giúp xe luôn trong mới và sạch đẹp hơn.
Hiện nay, hầu hết các xe ô tô trước khi xuất xưởng đến tay người dùng đều được nhà sản xuất tính toán sơn phủ chống gỉ để bảo vệ gầm ô tô. Tuy nhiên, với các dòng xe phổ thông, nhất là xe giá rẻ thì chất lượng lớp sơn phủ gầm này chưa cao, vì vậy nên cất nhắc việc phủ gầm để gầm xe luôn được đảm bảo bảo vệ tốt nhất.
Thanh Thư (T/h)